|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thêm một doanh nghiệp cảng biển sắp chào sàn HNX

12:59 | 01/11/2021
Chia sẻ
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định chấp thuận hồ sơ niêm yết hơn 24,5 triệu cổ phiếu CCR của CTCP Cảng Cam Ranh, công ty con do Vinalines nắm giữ 80,9% vốn.

Theo thông tin mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định chấp thuận hồ sơ niêm yết của CTCP Cảng Cam Ranh (Mã: CCR). Theo đó, hơn 24,5 triệu cổ phiếu CCR đang được giao dịch tại thị trường UPCoM sẽ được niêm yết trên HNX.

Công ty con do Vinalines nắm giữ 80,9% vốn

CTCP Cảng Cam Ranh tiền thân là Cảng Ba Ngòi được thành lập trên cơ sở tách từ cụm Cảng Nha Trang - Ba Ngòi, là công ty nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 1991.

Năm 2007, Cảng Ba Ngòi được chuyển giao thành công ty nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đến năm 2009, công ty được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh do Vinalines sở hữu 100% vốn, với vốn điều lệ 64,5 tỷ đồng và kinh doanh chủ yếu mảng bốc xếp hàng hóa tại cảng và kinh doanh xăng dầu.

Năm 2015 đánh dấu cột mốc trong lịch sử hoạt động của Cảng Cam Ranh khi công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần, vốn điều lệ là 245 tỷ đồng trong đó Vinalines nắm giữ 80,9% vốn. Kể từ thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Cảng Cam Ranh có số vốn điều lệ thực góp là hơn 245 tỷ đồng và chưa thực hiện tăng vốn dưới bất kỳ hình thức nào.

Cảng Cam Ranh nộp hồ sơ niêm yết HNX - Ảnh 1.

Danh sách cổ đông lớn tại Cảng Cam Ranh. (Nguồn: CBTT).

Tính đến ngày 9/9/2021, Vinalines vẫn đang sở hữu 80,9% vốn cổ phần tại Cảng Cam Ranh. Bên cạnh đó, CTCP Tư vấn xà Xây dựng Phú Xuân là cổ đông lớn thứ hai với tỷ lệ nắm giữ 14,27%.

Hiện Cảng Cam Ranh đang sở hữu 51% vốn tại công ty con là CTCP Dịch vụ Hàng hải Cảng Cam Ranh (vốn điều lệ 198 tỷ đồng). Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sở hữu 6,5% vốn cổ phần tại CTCP Đô thị Cam Ranh.

Tình hình kinh doanh ổn định trong những năm gần đây

Cảng Cam Ranh là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển. Nằm cách thành phố Nha Trang 60km về phía Nam, cảng nằm trên vịnh Cam Ranh và là một trong những cầu cảng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa.

Thêm một doanh nghiệp cảng biển sắp chào sàn HNX - Ảnh 2.

Cầu cảng Ba Ngòi – Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh. (Nguồn: BSC).

Cảng Cam Ranh được quy hoạch là một trong 17 cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối loại 1 và nằm trong trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam trung bộ và Tây Nguyên - khu vực với trữ lượng các loại khoảng sản lớn như đá, cát, bauxit..

Khách hàng chính của Cảng Cam Ranh là các chủ tàu, chủ hàng, đại lý và các nhà logistics trải dài trong cả nước, tập trung chủ yếu ở những khu vực tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Cam Ranh năm 2020 đạt 2.088.972 tấn.

Cảng Cam Ranh nộp hồ sơ niêm yết HNX - Ảnh 2.

Tỷ trọng doanh thu của các mảng kinh doanh của Cảng Cam Ranh. (Nguồn: CBTT).

Trong cơ cấu doanh thu thuần của Cảng Cam Ranh, mảng xếp dỡ hàng hóa chiếm tỷ trọng bình quân lớn nhất khi đóng góp hơn 46% doanh thu thuần. Bên cạnh đó, nguồn thu của công ty cũng đến từ các dịch vụ như kinh doanh xăng dầu (12%), lai dắt tàu (9%), neo đậu, cảng biển (8%), cho thuê phương tiện, thiết bị và cơ sở hạ tầng (8%)...

Cảng Cam Ranh nộp hồ sơ niêm yết HNX - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của CCR trong giai đoạn gần đây. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC).

Kết thúc năm 2020, Cảng Cam Ranh ghi nhận doanh thu thuần 138 tỷ đồng, sụt giảm 13,4% so với năm 2019. Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn là doanh thu bốc xếp và doanh thu kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, mặc dù vẫn chiếm đến 44,9% cơ cấu doanh thu trong kỳ, thu từ hoạt động bốc xếp lại giảm 3,8 tỷ đồng (tương đương 5,8%) so với năm 2019. Đáng chú ý, thu từ kinh doanh xăng dầu ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên tới 37,6%, tương ứng giảm hơn 9,9 tỷ đồng.

Đây là hai mảng kinh doanh chính của công ty qua nhiều năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đã khiến hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa bị đình trệ, thể hiện qua việc sản lượng hàng hóa qua cảng giảm mạnh 29% từ 2,9 triệu tấn xuống gần 2,1 triệu tấn và đạt 68,5% kế hoạch năm.

Tính đến hết 30/6/2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Cam Ranh đạt 1,39 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch được giao và bằng 119% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như dăm gỗ, đá xây dựng, cát trắng, cá đông lạnh,...

Đặc biệt là mặt hàng điện gió bước vào giai đoạn cao điểm lắp đặt để hưởng mức giá FIT ưu đãi trước ngày 3/11/2021, do vậy số lượng tàu chở hàng thiết bị điện gió và thiết bị cẩu hỗ trợ lắp đặt cập Cảng Cam Ranh tăng trưởng mạnh, giúp công ty có kết quả tích cực.

Nhờ đó, doanh thu thuần đạt 108 tỷ đồng, tăng mạnh 62,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty thậm chí ghi nhận mức tăng 131%, lên mức 25,09 tỷ đồng và thực hiện 99,56% kế hoạch năm.

Năm 2021, CTCP Cảng Cam Ranh (Mã: CCR) đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa đạt 2,7 triệu tấn, doanh thu đạt 159 tỷ đồng tăng lần lượt 29,2% và 11,5% so với năm 2020.

Định hướng tăng năng lực hoạt động, nâng tải trọng lên 70.000 DWT

Vào tháng 6/2021, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa đã báo cáo thực hiện dự án nâng cao năng lực khai thác cầu cảng Cam Ranh theo đề xuất của CTCP Cảng Cam Ranh với lãnh đạo UBND tỉnh. Hiện nay, Cảng Cam Ranh hiện nay là một trong những cảng biển có lượng tàu, hàng hóa thông qua lớn trong khu vực Nam Trung bộ với 2 cầu tàu tổng chiều dài hơn 600m.

Để nâng cao năng lực hoạt động, CTCP Cảng Cam Ranh đề xuất xây mới cầu dẫn nối từ bờ ra cầu cảng số 2 để tăng công suất tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000DWT giảm tải thay vì 50.000 DWT như hiện nay, tàu 7.000DWT phía trong (hiện đang tiếp nhận tàu 3.000DWT).

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.