Thế khó của đại gia nội cuối cùng trên thị trường bia Việt Nam
Sau khi ThaiBev thông qua pháp nhân Vietnam Beverage mua lại 53,6% vốn của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là ông lớn cuối cùng trên thị trường bia Việt Nam chưa bị đại gia ngoại chi phối. Hiện vốn Nhà nước tại Habeco chiếm 81,7% còn tập đoàn Carlsberg giữ 17,3%.
Habeco với các sản phẩm mang thương hiệu Bia Hà Nội bị hai đối thủ Sabeco và Công ty TNHHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL - Heineken Việt Nam) - chủ sở hữu các thương hiệu Heineken, Tiger và Larue - cạnh tranh dữ dội. Theo Công ty Chứng khoán FPTS, thị phần của Habeco cuối năm 2018 chỉ đạt 18,4%, Heineken Việt Nam chiếm 23% còn Sabeco sở hữu tới 40,9%.
Miếng bánh thị phần bia của Habeco thu nhỏ hơn từ khi doanh nghiệp này bị Heineken Việt Nam chiếm lấy vị trí thứ hai trên thị trường. Thời điểm gần nhất Habeco vẫn ở chiếu trên so với VBL là năm 2014. Khi đó, 20% thị trường bia Việt nằm trong tay ông chủ Bia Hà Nội còn chủ sở hữu Heineken mới có 19%.
Về quy mô sản xuất, Habeco cũng đang yếu thế hơn người anh em một thời Sabeco và đối thủ ngoại Heineken. Theo thống kê của FPTS, Habeco cuối năm 2018 có 17 nhà máy, tổng công suất 810 triệu lít mỗi năm. VBL có 6 nhà máy, tổng công suất 950 triệu lít còn Sabeco có 23 nhà máy, tổng công suất 1,8 tỷ lít.
Vắng bóng ở miền Nam, mờ nhạt trong phân khúc cao cấp
Bia Hà Nội vẫn là thương hiệu dẫn đầu tại miền Bắc, tuy nhiên khu vực này chỉ chiếm 35% tổng sản lượng tiêu thụ của toàn ngành bia Việt Nam. Còn khu vực tiêu thụ bia mạnh nhất cả nước là miền Nam với con số 59% lại là thị trường Bia Sài Gòn chiếm ưu thế tuyệt đối.
Thêm vào đó, dù đang đứng sau Habeco và Hue Brewery (thuộc sở hữu của Carlsberg) ở miền Bắc và miền Trung, Sabeco và Heineken Việt Nam vẫn bao phủ hệ thống phân phối ở hai khu vực này và có chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, mức độ hiện diện của các thương hiệu Bia Hà Nội tại miền Nam lại mờ nhạt.
Vừa chuyển vào TP.HCM sinh sống gần nửa năm sau khi tốt nghiệp đại học tại Hà Nội, Hải Hà cho biết thường xuyên chọn bia Saigon Special bên cạnh Trúc Bạch, một thương hiệu của Habeco, mỗi khi tụ tập cùng bạn bè thời còn ở thủ đô. "Từ ngày vào Sài Gòn, mình mới chỉ đúng một lần uống Trúc Bạch tại quán nhậu còn chưa bao giờ thấy Bia Hà Nội", cô cho biết.
Bản đồ lượng tiêu thụ bia và các thương hiệu nổi bật theo vùng miền tại Việt Nam. Ảnh: FPTS.
Trong danh mục thương hiệu hiện tại của Habeco, ngoài hai thương hiệu mới ra mắt trong năm nay là Hà Nội Bold và Hà Nội Light, chỉ duy nhất Trúc Bạch nằm trong phân khúc cao cấp. Ngược lại, các thương hiệu Bia Hà Nội đều nhắm tới phân khúc trung cấp và bình dân.
Trong khi đó, báo cáo của FPTS cho biết tốc độ tăng trưởng của phân khúc bia giá rẻ chỉ đạt 4,8% nhưng bia cao cấp lên tới 15% trong giai đoạn 2014-2017.
Do đó, phân khúc cao cấp dù chỉ chiếm hơn 10% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường lại là nơi các doanh nghiệp bia ngày càng tập trung cạnh tranh hơn nhờ mức sinh lợi cao hơn. Tuy nhiên, tham gia vào phân khúc cao cấp cũng đòi hỏi các đại gia phải có chiến lược kinh doanh bài bản hơn.
Không chỉ riêng Bia Hà Nội, nhiều thương hiệu bia Việt cũng thất thế trong cuộc cạnh tranh tìm chỗ đứng trên thị trường bia cao cấp như Heineken. FPTS nhận định Heineken Việt Nam có kinh nghiệm kinh doanh các sản phẩm cao cấp và có lợi thế thừa hưởng những chiến dịch marketing từ công ty mẹ.
Còn sản phẩm bia Saigon Special nhờ chiến lược thuê tư vấn nước ngoài làm thu về nhiều kết quả tích cực và đã lấy được thị phần thứ 2 trong phân khúc cao cấp. Trong khi đó, trước khi tung ra hai sản phẩm bia mới đầu năm nay, Habeco chưa thể đạt được vị trí như kỳ vọng trên thị trường bia cao cấp với thương hiệu Trúc Bạch.
Lợi nhuận giảm dần đều
6 tháng đầu năm 2019, Habeco đạt doanh thu thuần 3.996 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với kết quả 4.338 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Habeco cũng giảm 6% từ 325 tỷ đồng xuống còn 305 tỷ đồng. Đây là mức lãi ròng bán niên thấp nhất của Habeco trong 4 năm qua.
Trong thực tế, kết quả kinh doanh của Habeco đã trong tình trạng ảm đạm suốt một thời gian dài. 5 năm qua, lợi nhuận sau thuế của Habeco giảm dần đều. Năm 2014, Habeco thu lãi 1.101 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2018, lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 484 tỷ đồng.
Năm tài chính gần nhất, Habeco đều không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của Habeco năm 2018 là 429,4 triệu lít, bằng 89% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 86% so với kế hoạch.
Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 7.558 tỷ, bằng 96% cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 637 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ và chỉ tương đương 64% kế hoạch.
Đồ họa: Việt Đức.
HĐQT Habeco cho biết thị trường miền Bắc và bắc miền Trung - khu vực tiêu thụ chính của các sản phẩm Habeco - tăng trưởng âm 3% so với năm 2017. Trong khi đó, Habeco thừa nhận sản phẩm của mình bị cạnh tranh gay gắt khi các thương hiệu đối thủ như Saigon Lager và 333 của Sabeco tăng trưởng 32%, Tiger của Heineken tăng trưởng 71%.
Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng từ 60% lên 65%, tạo áp lực lên chỉ tiêu lợi nhuận của các đơn vị trong ngành bia. Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu sản xuất bia như mạch nha, gạo, hoa houblon, vỏ lon tăng giá khiến giá thành sản xuất tăng, đẩy lợi nhuận giảm.
Năm 2019, kỳ vọng lãi ròng của Habeco vỏn vẹn 310 tỷ đồng, ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, với mục tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục này, Habeco đã hoàn thành 98% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.