Thế giới thiếu thốn đủ đường, doanh nghiệp không có nguyên liệu mà sản xuất
Các nhà sản xuất từ đệm mút cho đến ô tô, lá nhôm đều đang mua nhiều nguyên liệu hơn mức cần thiết nhằm ứng phó với đà phục hồi chóng mặt của nhu cầu hàng hóa và xoa dịu nỗi lo thiếu nguyên liệu.
Theo Bloomberg, đợt mua bán điên cuồng hiện nay đang đẩy các chuỗi cung ứng đến bờ vực của sự sụp đổ. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông và giá cả tăng vọt đang ở gần mức cao nhất những năm gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang được kích thích quá đà sẽ sinh ra lạm phát.
Thế giới dường như đang thiếu thốn mọi thứ, từ đồng, thép đến quặng sắt; từ ngô, cà phê, lúa mỳ đến đậu tương; từ gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa các tông để đóng gói hàng.
Ông Tom Linebarger, Chủ tịch kiêm CEO của công ty sản xuất động cơ Cummins Inc. nói: "Chúng tôi cái gì cũng thiếu". Một lãnh đạo khác của công ty là bà Jennifer Rumsey thì nói: "Khách hàng đang cố gắng tích trữ mọi thứ vì họ thấy nhu cầu quá cao và tình hình có thể còn tiếp diễn sang năm sau".
Đợt thiếu hụt của năm 2021 lớn hơn rất nhiều so với những lần gián đoạn nguồn cung trong quá khứ, và thực tế là hiện giờ không ai biết khi nào tình trạng khan hiếm hàng hóa sẽ chấm dứt.
Không doanh nghiệp nào – dù lớn hay nhỏ - thoát khỏi được nghịch cảnh này. Công ty vận chuyển bằng xe tải lớn nhất châu Âu là Girteka Logistics cho biết đang không có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu. Công ty nước giải khát Monster Beverage ở California, Mỹ thì khổ sở vì thiếu vỏ lon nhôm. Hãng công nghệ MOMAX Technology ở Hong Kong phải hoãn sản xuất sản phẩm mới vì thiếu chip bán dẫn.
Nhiều tai nạn bất ngờ càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Một tàu chở hàng chắn ngang kênh đào Suez khiến hàng hóa bị ùn ứ nghiêm trọng. Hạn hán làm cho mùa màng thất bát. Thời tiết lạnh giá bất thường khiến cho ngành năng lượng và hóa dầu ở miền trung nước Mỹ chịu cảnh đóng băng.
Chưa đầy hai tuần trước, tin tặc tấn công và hạ gục hệ thống máy tính của công ty đường ống lớn nhất nước Mỹ, khiến cho giá xăng vượt lên trên mốc 3 USD/gallon lần đầu tiên kể từ 2014.
Giờ đây, đại dịch COVID-19 hoành hành ở Ấn Độ đang đe dọa hoạt động của những cảng lớn nhất đất nước Nam Á này.
Khó khăn hiện nay sẽ không kết thúc chỉ sau vài tháng. Chỉ số nhà quản trị kho vận (logistics) hiện đang ở mức cao thứ hai kể từ năm 2016 và hàm ý tình hình căng thẳng sẽ còn kéo dài trong khoảng một năm nữa.
Chỉ số này được xây dựng dựa vào một bảng khảo sát hàng tháng các nhà quản lý nguồn cung ứng của doanh nghiệp, gồm các câu hỏi về lượng hàng tồn kho, chi phí vận tải và kho bãi thời điểm hiện nay và trong 12 tháng tới. Trong quá khứ, chỉ số này có tỷ lệ dự báo chính xác cao tới 90%.
Trước đây, ba khoản mục chi phí nói trên thường được tối ưu theo hướng tăng cường độ tin cậy và giảm thiểu chi phí. Ngày nay khi nhu cầu thương mại điện tử lên cao, nhà kho đã chuyển từ vùng ngoại ô vào khu trung tâm thành phố, bất chấp giá thuê mặt bằng cũng như chi phí lao động cao hơn.
Hàng tồn kho lớn từng là gánh nặng trước đại dịch thì giờ đây lại trở thành một lợi thế. Chi phí vận tải sẽ khó có thể hạ nhiệt nếu nhu cầu vẫn ở mức cao.
Ngày càng nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ lạm phát sẽ sớm tăng cao, khiến các ngân hàng trung ương, nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải lo lắng. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang nhận được ngày càng nhiều câu hỏi về việc khi nào cơ quan này sẽ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách đã liệt kê một số nguyên nhân khiến lạm phát khó vượt tầm kiểm soát. Ví dụ như mức tăng gần đây là do so sánh với nền thấp trong năm 2020 khi toàn hệ thống kinh tế đóng cửa để chống dịch. Thêm vào đó, doanh số bán lẻ tháng 4 tại Mỹ đã đi ngang sau khi tăng mạnh trong tháng trước, giá nhiều loại hàng hóa đã hạ nhiệt sau khi lập đỉnh nhiều năm.
Có gì sản xuất nấy
Các doanh nghiệp từ quy mô gia đình đến tập đoàn đa quốc gia đều đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Trao đổi với Bloomberg, ông Marc Bitzer – CEO nhà sản xuất đồ gia dụng Whirlpool cho biết chuỗi cung ứng của công ty này đang "đảo lộn hết cả" và Whirlpool đang phải tăng giá dần dần.
Thông thường Whirlpool và các tập đoàn lớn khác sản xuất dựa theo đơn hàng và dự báo thị trường. Giờ đây doanh nghiệp này sản xuất theo loại nguyên vật liệu đang có trong tay.
"Cách làm hiện nay không hề bình thường và cũng rất kém hiệu quả, nhưng chúng tôi chẳng còn cách nào khác", CEO của Whirlpool nói. "Tôi biết là có nhiều người nói rằng tình thế hiện tại chỉ là tạm thời nhưng chúng tôi thì thấy khó khăn sẽ còn kéo dài".
Giá gỗ, đồng, quặng sắt và thép đều tăng mạnh trong những tháng gần đây khi nguồn cung thu hẹp còn nhu cầu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng cao.
Giá dầu thô cũng đang tăng, tương tự với giá các vật liệu công nghiệp từ nhựa đến cao su và hóa chất.
Chi phí thực phẩm cũng đang lên cao. Giá dầu cọ đã tăng 135% trong một năm qua và lập đỉnh mới. Giá đậu tương phá đỉnh 9 năm, giá ngô cũng lên đỉnh 8 năm và giá lúa mỳ lên mức cao nhất kể từ 2013.