|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới gặp rủi ro khi dựa vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ?

11:35 | 23/02/2024
Chia sẻ
Lãi suất tại Mỹ tăng cao và đồng USD mạnh lên là gánh nặng đối với các nền kinh tế mới nổi.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Tại Mỹ, việc làm vẫn dồi dào, người tiêu dùng vẫn cảm thấy tự tin và không ngại chi tiền. Thị trường chứng khoán lập kỷ lục vào tháng 2 và đồng USD vẫn mạnh mẽ. Năm ngoái, GDP Mỹ tăng mạnh hơn cả quy mô nền kinh tế Tây Ban Nha hoặc Indonesia. Song, việc phụ thuộc vào Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đem đến rủi ro cho những nước khác và cả Mỹ, Bloomberg cho hay.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản và bị các nhà đầu tư quốc tế quay lưng. Tại châu Âu, Anh rơi vào suy thoái nhẹ trong nửa cuối năm 2023. Đức cũng có nguy cơ gặp lại suy thoái trong năm 2024, kéo nền kinh tế khu vực đồng euro đi xuống. Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái kỹ thuật năm ngoái.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, bình luận: “Nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục vượt trội so với các nền kinh tế khác trên thế giới trong năm nay, đặc biệt là so với châu Âu hoặc Trung Quốc”.

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đủ để bù đắp cho sự sa sút của phần còn và là một trong những lý do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 từ 2,9% lên 3,1%.

Rủi ro tới các nền kinh tế mới nổi

Cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ chưa kết thúc mà vẫn đang trong thế giằng co. Giá tiêu dùng tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 1, làm giảm bớt khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất.

Lãi suất cao ở Mỹ khiến chi phí đi vay tại các nước khác khó hạ xuống. Đây là rắc rối lớn đối với những nền kinh tế mới nổi vay nợ bằng USD.

Niềm hy vọng vào kịch bản Fed sớm hạ lãi suất đã mở đường cho ngân hàng trung ương tại những nước này cắt giảm lãi suất. Ví dụ, trong đầu năm nay, giá trái phiếu nội địa của các nước Mỹ Latinh đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, nhờ vào động thái giảm lãi suất của Chile và Brazil.

Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ cũng hỗ trợ cho đồng USD. Thước đo sức mạnh USD của Bloomberg đã tăng khoảng 11% kể từ cuối năm 2020. Mức tăng 2,6% của USD trong 2024 là khởi đầu năm tốt nhất kể từ năm 2015.

Bài phân tích năm ngoái của IMF phát hiện rằng nếu USD tăng 10% thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 1,9% sau một năm. Đồng bạc xanh mạnh lên còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, lượng tín dụng khả dụng và thị trường chứng khoán.

Kinh tế Mỹ có thể gặp khó

Nền kinh tế Mỹ đã để lộ một số điểm yếu. Tháng trước, thước đo tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ đã tụt mạnh nhất trong hơn một năm do lợi nhuận suy giảm và kỳ vọng doanh thu yếu kém, theo Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia.

Dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ cũng lớn hơn so với trước, đè nặng lên các hộ gia đình và đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp. Lãi suất thẻ tín dụng trung bình tại Mỹ là 22,75%, gần bằng với mức cao nhất trong dữ liệu của Fed kể từ năm 1995.

Ông Robert Scokin, nhà kinh tế cấp cao của Citigroup, bình luận: “Các điều kiện tín dụng đã thắt chặt đáng kể, các chỉ báo nhu cầu tín dụng cũng yếu”.

Mối nguy khác là nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu có thể sa sút hơn nữa, khiến nền kinh tế Mỹ bị sốc và thế giới mất đi đầu tàu tăng trưởng.

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ không chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa. Ông cảnh báo Mỹ có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các nền kinh tế lớn khác trên thế giới suy yếu hơn nữa.

Ông Goolsbee phát biểu tại sự kiện của Hội đồng Đối ngoại Quốc tế ngày 14/2: “Trong kịch bản đó, tâm lý hoảng loạn có thể lan sang Mỹ thông qua các kênh đầu tư và kinh doanh".

Kịch bản cơ sở

Tại thời điểm này, Mỹ có vẻ sẽ tiếp tục tục là đầu tàu kinh tế thế giới.

Ông Gabriel Makhlouf, thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, nhận xét hôm 14/2: “Trong ngắn hạn, nền kinh tế khu vực đồng euro có thể sẽ trì trệ, do các điều kiện tài chính bị thắt chặt, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp xuống thấp, nhu cầu từ nước ngoài giảm sút".

 

Còn tại Mỹ, tiền tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong thời đại dịch đang giúp cải thiện sức mua của người tiêu dùng, giúp nền kinh tế tiếp tục tiến bước. Khả năng Fed hạ lãi suất trong năm nay cũng giúp ích cho triển vọng kinh tế.

Hôm 5/2, các nhà kinh tế của Deutsche Bank nói rằng thay vì suy thoái, giờ đây họ ước tính GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9%. Ngày tiếp theo, S&P Global Market Intelligence nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Mỹ từ 1,7% lên 2,4%.

Những diễn biến trên cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ có động lực tốt trong năm nay, điều mà Chủ tịch Fed ngầm chỉ ra trong cuộc họp báo cuối tháng 1. Ông phát biểu: “Thành thật mà nói, nền kinh tế đang hoạt động tốt”.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.