Thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng
Lạm phát cao tại Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Mười Một. Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, do chiến tranh, lạm phát cao và khối nợ ngày càng tăng.
Những vấn đề trên kết hợp với lượng dân số tại châu Á, châu Phi và một số khu vực của Mỹ Latinh và Caribe có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực và bất ổn khi xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung lương thực.
Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba nguồn cung lúa mì toàn cầu, do đó bất kỳ sự ngừng trệ hoặc hạn chế nào trong thương mại đều ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thực phẩm cơ bản của nhiều người.
Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc (LHQ), vốn cho thấy ảnh hưởng của xung đột và gián đoạn nguồn cung, gần đây đã vọt lên mức kỷ lục 156, so với 103 trong năm 2020.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đáng báo động tại Sri Lanka (Xri Lan-ca) là minh chứng về những gì có thể xảy ra ở những quốc gia khác.
Tình trạng quản lý yếu kém lâu dài tại quốc gia Nam Á này cùng với khủng hoảng kinh tế, đà tăng của giá cả, thiếu hụt nhiên liệu và lương thực đã gây ra những vấn đề ổn định về kinh tế và xã hội.
Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh khủng hoảng lương thực có thể gây ra bất ổn xã hội, song thiếu lương thực là vấn đề có thể giải quyết được.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass lưu ý những người nghèo nhất đã chi ít nhất một nửa thu nhập của họ cho thực phẩm và những đối tượng này có rất ít khả năng đối phó với lạm phát cao do đó con cái của họ phải đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng.
LHQ ước tính có tới 869 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói. Điều đáng nói là các quốc gia giàu có trên thế giới cho đến nay vẫn hành động quá ít để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về lương thực.
Vào tháng Sáu, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dẫn đầu là Mỹ, đã cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để giúp giải quyết vấn đề thiếu lương thực ngày càng tăng, song cam kết này vẫn là không đủ.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, cuộc khủng hoảng lương thực đòi hỏi hành động nhanh chóng và nguồn lực ít nhất 22 tỷ USD. Sự chậm trễ sẽ chỉ làm tăng chi phí.
Các chuyên gia nhận định IMF, WB và các ngân hàng phát triển đa phương trong khu vực ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi cần có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu. Các chuyên gia rằng không thể chờ đợi cho đến khi WB và IMF tổ chức các cuộc họp thường niên vào tháng Mười. Các tổ chức trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu cần hành động ngay bây giờ.
Đầu tiên, họ nên theo dõi sự ổn định tài khóa và kinh tế của các quốc gia đang đối mặt với tình trạng gia tăng nợ nần và giá lương thực. Thứ hai, họ nên định hướng lại các nguồn lực đa phương và song phương hiện có.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo tại những quốc gia có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nên nhận được sự hỗ trợ đa phương. Thứ tư, các chủ nợ nhà nước và tư nhân nên sẵn sàng giảm nợ để đảm bảo sự ổn định.