|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thế Giới Di Động là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào nhóm 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á

11:18 | 26/05/2020
Chia sẻ
Hai tập đoàn thương mại điện tử ở Trung Quốc đứng đầu danh sách 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á năm 2020, và Thế Giới Di Động là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong danh sách.

Mới đây, Euromonitor vừa công bố danh sách những nhà bán lẻ hàng đầu tại châu Á trong năm 2020. Tiêu chí xếp loại của Euromonitor dựa trên doanh thu của từng nhà bán lẻ trong năm 2019.

Với doanh thu 5,554 tỉ USD, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam lọt vào top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á, giữ nguyên vị trí thứ 59 trên bảng xếp hạng so với cùng kì năm trước dù doanh thu tăng 42,7% (doanh thu năm 2018 của Thế Giới Di Động là 3,891 tỉ USD).

Walmart là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tại châu Á, Walmart chỉ xếp vị trí thứ 8, trong khi Alibaba (317 tỉ USD) và JD.com (182 tỉ USD) là hai cái tên dẫn đầu danh sách. 

Thế Giới Di Động góp mặt trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Ảnh 1.

Thế Giới Di Động giữ nguyên vị trí thứ 59 trên bảng xếp hạng. Ảnh: Euromonitor.

Trung Quốc có nhiều nhà bán lẻ lớn tại châu Á. Ngoài Alibaba và JD.com, trong danh sách còn có Suning.com (hạng 5) và Pinduoduo (hạng 7). Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có một doanh nghiệp (AEON Group) và Hàn Quốc có hai doanh nghiệp (Lotte Group và Shinsegae).

Việt Nam có 5 đại diện trong nhóm 50 nhà bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á - bao gồm Thế Giới Di Động (hạng 8, doanh thu 5,554 tỉ USD); Saigon Co.op (hạng 20, doanh thu 1,359 tỉ USD); Vingroup (hạng 31, doanh thu 805 triệu USD); FPT Shop (hạng 32, doanh thu 759 triệu USD) và Nguyễn Kim (hạng 50, doanh thu 463 triệu USD).

Cả 5 nhà bán lẻ này đều không tăng thứ hạng tại khu vực. Trong khi Vingroup và FPT Shop "giậm chân tại chỗ", Thế Giới Di Động, Saigon Co.op và Nguyễn Kim lại thụt lùi so với năm trước. Thậm chí doanh thu của cả Saigon Co.op và Nguyễn Kim đều có xu hướng giảm trong năm 2019.

Euromonitor đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam tương đối sôi động, chủ yếu do quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của thế hệ trẻ tại thành thị. 

Ở Việt Nam, các kênh bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử) đang trên đà phát triển nhanh chóng nhờ vào các lợi thế sẵn có kể trên. Tuy nhiên, vì đa phần người dân sống ở nông thôn, cộng với việc mức thu nhập khả dụng chưa cao, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang sống tốt và đóng một vai trò cực kì quan trọng trên thị trường.

Dịch COVID-19 có thể làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khiến họ ưu tiên lựa chọn các hình thức bán lẻ mới như thương mại điện tử. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các nhà bán lẻ sớm số hóa hệ thống.

Đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, Euromonitor cho rằng sự quan tâm đến thời trang và hình ảnh cá nhân trên các phương tiện truyền thông của một bộ phận giới trẻ tại thành thị đã tạo ra doanh thu cho một nhóm các sản phẩm mới trên thị trường. Các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm này để đẩy mạnh kinh doanh.

Thế Giới Di Động góp mặt trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Ảnh 2.

Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam xuất hiện 2 cái tên đến từ nước ngoài là Central Group (Thái Lan, hạng 5) và AEON Group (Nhật Bản, hạng 10). Ảnh; Euromonitor

Nhóm 10 nhà bán lẻ lớn nhất tại thị trường Việt Nam bao gồm hai doanh nghiệp nước ngoài là Central Group (Thái Lan, hạng 5) và AEON Group (Nhật Bản, hạng 10). Cả hai đều không cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng.

Ngoài vị trí dẫn đầu thuộc về Thế Giới Di Động, Saigon Co.op vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ hai dù doanh thu giảm 5,9%. Vingroup và FPT Shop lần lượt tiến lên các vị trí thứ 3 và thứ 4.

Các vị trí khác trong nhóm bao gồm Pico (hạng 6), Nguyễn Kim (hạng 7), PNJ (hạng 8) và Cao Phong (hạng 9).

Tiểu Phượng