|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới đánh thức những viên kim cương cũ trị giá trăm tỉ USD đang ngủ quên tại Nhật Bản

11:17 | 26/11/2019
Chia sẻ
Kim cương cất giấu tại Nhật Bản trong nhiều thập kỉ đang tìm thấy sức sống mới từ những người mua ở nước ngoài.
https___s3-ap-northeast-1

Kim cương Nhật Bản đang được các đại lý quốc tế săn tìm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo Nikkei Asian Review, người nước ngoài đang đổ xô đến khu trang sức lớn nhất thế giới của Nhật Bản để tìm kiếm những viên đá quí trên khắp thế giới trong thời kì kinh tế bong bóng của Nhật Bản những năm 1980.

"Di sản bong bóng" này đang tìm đường quay lại thị trường khi các chủ sở hữu già đi và sắp xếp lại tài sản của họ, cho phép những viên kim cương đã được cất giữ trong ngăn kéo chảy về các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Người nước ngoài đổ xô mua kim cương cũ

"600.000 yen", là mức giá mở đầu cuộc đấu giá chiếc nhẫn kim cương 2,5 cara rực rỡ. Ghế ngồi chật kín người mua trò chuyện với nhau bằng tiếng Trung và tiếng Hindi.

Cuộc cạnh tranh trở nên dữ dội ngay khi búa được gõ xuống. "700.000 yen!", "750.000 yên!", mức giá tăng lên nhanh chóng chỉ sau vài giây. Cuối cùng, một người mua nước ngoài nói "860.000 yen!". Những người mua khác thở dài, đành chấp nhận thua cuộc.

Gần 1.000 người giao dịch cạnh tranh nhau trong tòa nhà ở Okachimachi, Tokyo, khu trang sức nổi tiếng của thành phố. Cuộc đấu giá tháng 10 được đồng tài trợ bởi 2 công ty Nhật Bản, Apre và Daiya, và gây chú ý bởi sự cạnh tranh khốc liệt.

Thương nhân nước ngoài đang thống trị thị trường kim cương Nhật Bản. Theo Apre, trong số 80 tay buôn thường xuyên tham gia đấu giá, khoảng 40% là người nước ngoài, gần gấp đôi con số một năm trước đó.

Thương nhân Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu thị trường này. "Một viên kim cương cũ đem bán đấu giá được mang tới Ấn Độ để đánh bóng và chế tác", một người mua đại diện cho thương nhân Ấn Độ cho biết.

Đây là cách những viên kim cương từng đến Nhật Bản tìm đường vươn ra khắp thế giới. Ngoài Trung Quốc và Dubai ở Trung Đông, "nhu cầu cũng gia tăng ở Đông Nam Á và Israel, nơi tầng lớp giàu có tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế", lãnh đạo một công ty giao dịch kim cương cho biết.

https___s3-ap-northeast-1

Các đại lý quốc tế hiện diện ngày càng nhiều trong các cuộc đấu giá kim cương ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo thống kê thương mại, xuất khẩu kim cương của Nhật Bản đạt mức cao kỉ lục khoảng 8,5 tỉ yên (tương đương 78 triệu USD) vào năm 2015.

Mặc dù con số này đã giảm xuống còn 7,2 tỉ yên trong năm 2018, nó vẫn cao gấp ba lần so với 10 năm trước. Sản xuất kim cương mới ở Nhật Bản rất hiếm, vì vậy đây hầu hết là các viên đá sẵn có.

Điểm đến xuất khẩu hàng đầu về giá trị là Hong Kong, điểm chuyển tiếp cho giao dịch toàn cầu. Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp theo là Israel.

Nhập khẩu tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh khoảng 370 tỉ yên vào năm 1990 trong thời kì bong bóng. Dù tăng nhẹ kể từ năm 2009 sau cú sốc của Lehman, nhập khẩu chỉ đạt khoảng 94 tỉ yên trong năm 2018, mức độ thua xa so với thời hoàng kim.

Tại sao kim cương Nhật Bản thu hút nhiều sự chú ý? 

"Điều này là do nhiều sản phẩm xa xỉ nhập khẩu từ thời kì bong bóng được cất giấu trong nhà", Chủ tịch Apre Atsuyuki Kikuchi giải thích.

Một người mua Trung Quốc nói rằng: "Kim cương được mua trong thời kì bong bóng có chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn bất kì nước nào khác".

Nhẫn cưới kim cương cổ điển từ lâu đã trở thành món đồ được săn đón ở Nhật Bản. Trong thời kì kinh tế bong bóng những năm 1980, nhu cầu mua nhẫn tăng mạnh.

Các nhà quan sát ngành công nghiệp cho biết số trang sức trị giá hàng trăm tỉ USD được bán cho Nhật Bản trong thời kì này và đa số kim cương được tạo tác từ đó.

Sau khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, số lượng giao dịch kim cương cũng sụt giảm theo. Nhiều viên kim cương đã bị lãng quên và phủ bụi trong các ngăn kéo nhưng gần đây chúng đã tìm đường ra thị trường khi chủ nhân của chúng già yếu và qua đời.

"Số người đến bán kim cương được thừa kế và được tặng đã tăng lên trong 4, 5 năm qua", một chuyên gia về đá quý cho biết.

"Nhiều người trẻ thích làm những việc như du lịch hơn là sở hữu trang sức quý giá. Thay đổi trong suy nghĩ này có nghĩa là nhiều kim cương đang được tung ra thị trường", thẩm định viên tại một cửa hàng mua bán trang sức nói thêm.

Việc chuyển kim cương từ Nhật Bản sang các nước mới nổi trở thành một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Và nhiều viên đá quý như vậy có thể sẽ tìm thấy ánh hào quang mới ở nước ngoài.


Ngọc Ánh