|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liệu G7 có kiểm soát được nguồn kim cương Nga?

07:58 | 28/02/2024
Chia sẻ
G7 sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với kim cương Nga kể từ tháng Ba tới và đến mùa Thu, họ có thể chuẩn bị cơ chế theo dõi nguồn gốc của kim cương.
 

Theo RIA Novosti, mục tiêu là cô lập các nhà cung cấp Nga khỏi thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những “người chơi” lớn nhất trong ngành cảnh báo rằng tác động sẽ rất nghiêm trọng, với tình trạng thiếu hụt và giá tăng mạnh là không thể tránh khỏi. Ở Mỹ đã xuất hiện lo ngại về việc đóng cửa một số doanh nghiệp.

Mở rộng các biện pháp trừng phạt 

Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản đã cấm nhập khẩu kim cương Nga kể từ ngày 1/1/2024. Từ ngày 1/3, điều này sẽ áp dụng cho kim cương được gia công ở nước thứ ba. Ngoài ra từ ngày 1/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có kế hoạch áp dụng hệ thống theo dõi và chứng nhận khoáng sản quý. Bỉ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này.

Các chuyên gia cho rằng kết quả đối với thị trường kim cương toàn cầu sẽ rất lớn. Công ty Rapaport của Mỹ, công ty sở hữu sàn giao dịch kim cương lớn nhất nước Mỹ RapNet đã chỉ trích quyết định của G7 và yêu cầu thay đổi “Giao thức Kim cương” do Hội đồng Kim cương Thế giới và các nước G7 soạn thảo.

Người đứng đầu Tập đoàn Rapaport ông Martin Rapaport chỉ ra rằng ở Brussels, họ muốn tất cả kim cương vào Mỹ phải đi qua Bỉ. Theo ông, điều này “sẽ hủy hoại các doanh nghiệp trang sức vừa và nhỏ”. Việc giảm số lượng kênh cung cấp sẽ làm tăng giá thành và hạn chế dòng kim cương chảy vào quốc gia vốn là nước nhập khẩu lớn nhất với thị phần chiếm từ 40-50%.

Những tác động tiêu cực 

Công ty khai thác kim cương hàng đầu De Beers thuộc tập đoàn Anglo American và Công ty kim cương Okavango (ODC) của Botswana cũng phản đối. Họ cho rằng giá các sản phẩm châu Phi cũng sẽ tăng vọt. Giám đốc điều hành De Beers Al Cook cảnh báo: “Cũng không rõ bằng cách nào và ở đâu có thể kiểm tra quốc gia xuất xứ một viên kim cương nếu ở Antwerp, trung tâm kim cương chính của thế giới, kim cương của chúng ta trở nên đắt đỏ hơn”. Theo ông, các biện pháp trừng phạt “cần mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng không gây ra tác dụng phụ khủng khiếp”.

Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản, Công nghệ Xanh và An ninh Năng lượng Botswana Lefoko Moagi cũng chỉ ra những rủi ro tương tự. Ông bác bỏ ý tưởng gửi kim cương châu Phi đến Bỉ để chứng nhận. "Một động thái như vậy sẽ kéo theo một cơn ác mộng về hậu cần”, ông Moagi nói. Ông cho biết, Botswana đã nói rõ với G7 rằng họ đang gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia vì xuất khẩu kim cương chiếm 2/3 doanh thu của chính phủ nước này.

Những lo ngại này là dễ hiểu. Thị phần của các công ty Nga trên thị trường kim cương thế giới là khoảng 35%. Chi phí thực hiện hệ thống kiểm soát do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đề xuất chắc chắn sẽ dẫn đến giá cao hơn, khối lượng bán hàng giảm, thiếu kim cương chế tác đồ trang sức và giảm hàng tồn kho bán lẻ.

Phó giáo sư Viện Kinh tế và Kinh doanh Thế giới IWEB Khadzhimurad Belkharoev thuộc trường Đại học tổng hợp Nga Hữu nghị giữa các dân tộc (RUDN) bình luận: “Các nước giàu sẽ bị thiệt hại đầu tiên vì các sản phẩm trang sức đắt tiền chủ yếu được bán bởi các công ty đăng ký ở đó. Hơn một nửa số sản phẩm kim cương được bán ở Mỹ và hầu hết mọi thứ đều vào EU thông qua Antwerp".

Bà Elena Voronkova, Phó giáo sư khoa tài chính nhà nước và thành phố thuộc Đại học Kinh tế Nga, cho biết thêm: “Hậu quả tài chính nghiêm trọng nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Sự vắng mặt của kim cương Nga trên thị trường thế giới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ở các nước không thân thiện. Và giá sẽ tăng từ 100% trở lên. 

Ảnh hưởng đối với Nga

Theo bà Voronkova, thiệt hại có thể xảy ra do các lệnh trừng phạt không vượt quá 1/4 lượng xuất khẩu kim cương, tương ứng với chỉ 0,2% chỉ số chung.

Năm 2023, nhà sản xuất kim cương lớn nhất Alrosa của Nga đã giảm sản lượng 2,8%. Trong năm 2024, dự kiến Alrosa sẽ sản xuất 30 triệu carat kim cương và tiếp tục duy trì mức này, duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới.

Các chuyên gia cũng lưu ý sự kém hiệu quả của những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc lưu thông kim cương của Nga trên thế giới. Thứ nhất, không thể xác định một cách đáng tin cậy nguồn gốc xuất xứ. Chúng đến các sàn giao dịch với số lượng lớn thông qua mạng lưới trung gian, thường là kim cương từ các nguồn khác nhau được trộn lẫn. Thứ hai, việc thay thế một phần ba thị trường toàn cầu đơn giản là không thực tế.

Ngoài ra, giống như dầu mỏ và khí đốt, các nhà sản xuất sẽ bắt đầu phát triển thị trường mới. Xuất khẩu sẽ bắt đầu chảy sang châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh, nơi kim cương Nga đặc biệt được ưa chuộng trong số các nhà chế tác. Trong bối cảnh đó, phương Tây có thể sẽ phải mua lại kim cương thông qua các nước thứ ba.

Duy Trinh