|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga bị cấm vận, một ngành công nghiệp xa xỉ đột nhiên rơi vào hoảng loạn

07:00 | 15/05/2022
Chia sẻ
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang làm đứt gãy một ngành công nghiệp xa xỉ trị giá hàng tỷ USD. Các mỏ kim cương ở Siberia, những trung tâm giao dịch bí mật ở Antwerp, nhiều nhà máy đánh bóng ở Ấn Độ và không ít cửa hàng trang sức lấp lánh ở New York cùng lúc bị đẩy xuống hố sâu.

Cả ngành công nghiệp xa xỉ bị xáo trộn

Gã khổng lồ ngành khai khoáng Alrosa của Nga hiện cung ứng khoảng một phần ba lượng đá quý thô cho thế giới. Như một hệ lụy từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Alrosa đang gây hoảng loạn trong toàn ngành đá quý.

Hàng loạt tập đoàn lớn như Tiffany & Co. hay Signet Jewelers đã công bố kế hoạch tạm ngừng kinh doanh kim cương của Nga, do e ngại bị cuốn vào vòng xoáy trừng phạt của phương Tây.

Trong bối cảnh mùa cưới ở Mỹ sắp diễn ra, doanh nghiệp đã phải tìm kiếm giải pháp thay thế từ Ấn Độ - nước xuất khẩu kim cương lớn nhất thế giới, chiếm 90% lượng đá quý gia công và đánh bóng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Ấn Độ lại phụ thuộc vào nguồn kim cương thô từ Nga. Vì lẽ đó, sự gián đoạn các đơn hàng xuất khẩu từ xứ sở Bạch Dương có thể làm suy yếu nguồn cung đá quý trên khắp Bắc Mỹ và khiến Ấn Độ thiệt hại 2,5 tỷ USD trong quý II, tương đương gần 10% doanh thu hàng năm của nước này.

Kim cương tại một khu chợ ở Surat, Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg).

Tại thành phố Surat của Ấn Độ - một trong các trung tâm đánh bóng đá quý lớn nhất hành tinh, các chợ kim cương đã trở nên vắng lặng trong vài tuần trở lại đây. Công nhân ngồi không và uống trà. Nhập khẩu đá quý mới đi xuống. Giá kim cương cũng giảm theo.

Nhìn chung, theo ghi nhận của Bloomberg, mọi người đều có chung một lời phàn nàn: Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã đẩy các nhà xuất khẩu đá quý vào tình thế khó khăn.

Ông Manish Jain, một thương nhân, cho biết: “Bình thường các con phố sẽ chật cứng người mua kẻ bán. Song, giá đá quý bất ngờ lao dốc sau khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra. Bất thình lình, chúng tôi phải ôm những món hàng giá trị cao nhưng không có người mua”.

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn cho phép doanh nghiệp bán lẻ nhập khẩu đá quý được “chuyển đổi/gia công đáng kể” ở một quốc gia như Ấn Độ, dù các nhà lập pháp tại Washington đang cố gắng khép lại lỗ hổng để gây thêm áp lực với Moscow.

Song, các cơ sở đánh bóng của Ấn Độ cho biết một số khách hàng đã bắt đầu từ chối mua đá quý do Nga khai thác, cho rằng chúng giống những viên kim cương sinh ra từ xung đột đẫm máu.

Do một tương lai bất ổn như vậy, các thương nhân Ấn Độ đang cố gắng xoay xở, chẳng hạn như vận chuyển đá quý của Nga đến những thị trường thân thiện hơn như Trung Quốc, Đông Nam Á hoặc UAE.

 

Hệ lụy thế nào nếu thiếu kim cương của Nga?

Theo Bloomberg, Ấn Độ vẫn đang xuất khẩu kim cương của Nga sang Mỹ vì lượng hàng hiện tại được mua trước khi các lệnh cấm vận được ban hành. Song, nguồn cung đó sẽ cạn kiệt vào khoảng tuần đầu tiên của tháng 6, theo ông Vipul Shah - Phó Chủ tịch Hội đồng Xuất tiến Xuất khẩu Trang sức và Đá quý Ấn Độ.

Mặt khác, dù châu Âu chưa thực sự hạn chế hàng xa xỉ của Nga như Mỹ, danh sách các nước công bố lệnh cấm vận vẫn đang tăng lên. Gần nhất, Anh thông báo rằng các mặt hàng cao cấp của Nga từ kim cương đến trứng cá muối đều sẽ bị cấm hoặc đánh thuế nặng.        

 Các thương nhân kiểm tra kim cương tại một khu chợ ở Surat. (Ảnh: Bloomberg).

De Beers, nhà cung ứng kim cương lớn thứ hai thế giới, cũng gặp hạn chế về sản lượng khi các mỏ khai thác của hãng đã hoạt động hết công suất. Có rất ít khả năng nguồn cung sẽ tăng trước năm 2024, khi việc mở rộng một mỏ lớn của De Beers tại Nam Phi dự kiến hoàn thành.

Ông Shah cảnh báo, việc mất nguồn kim cương của Nga về lâu dài sẽ tàn phá toàn ngành công nghiệp đá quý, gây nguy hiểm cho hàng nghìn việc làm tại Ấn Độ và ảnh hưởng đến các trung tâm giao dịch trên khắp thế giới.

Tập đoàn Alrosa của Nga đã hủy bỏ kế hoạch bán hàng trong tháng 4 và nhiều khả năng không thể xuất khẩu được bất kỳ đơn hàng lớn nào trong tháng này, nguồn thạo tin của Bloomberg cho hay.

“Kim cương không giống như dầu mỏ, khi thị trường thiếu hụt thì một số nước có thể nhảy vào để bù đắp”, ông Shah lập luận. “Ở những nơi khác không có thêm mỏ mới nào. Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nguồn cung của Nga là rất lớn”.

 Khu phố buôn kim cương tại Manhattan, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Tại khu buôn kim cương của thành phố Manhattan, các đại lý cho biết việc kinh doanh đã bị đình trệ trong vài tháng qua. Chiến sự Nga - Ukraine là đòn mới nhất giáng vào một thị trường vốn đã bị bủa vây bởi những rắc rối trong chuỗi cung ứng, sản lượng đi xuống và lạm phát leo thang.

Ông Avi Davidoff, một nhà tư vấn tại Leon Diamond, cho biết khách hàng hiện đang thắc mắc liệu đá quý của chúng tôi có phải đến từ Nga hay không. “Đáng ngại hơn cả là không ai biết cuộc chiến ở Ukraine sẽ đi về đâu”, ông Davidoff bình luận.

Những bài toán khác của Ấn Độ

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành đá quý Nga cũng đang làm gia tăng căng thẳng ở New Delhi. Trong khi đa phần phương Tây vẫn đoàn kết chống lại hành động của Nga, thì Ấn Độ - quốc gia coi Moscow là đồng minh chính trị và thương mại thân thiết, vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu thô, vũ khí và hàng hóa của Nga.

Điều đó đã khiến Washington và các đồng minh NATO khó chịu, đôi khi xen lẫn giận dữ. Họ coi thái độ mềm mỏng của Thủ tướng Narendra Modi với Nga là sự phản bội nền dân chủ toàn cầu.

Nhiều quốc gia có quan hệ lâu dài với Nga cũng đang đối mặt với thế bế tắc mà Ấn Độ gặp phải. Trong một nền kinh tế siêu toàn cầu háa, làm cách nào để xoa dịu các đồng minh nhưng vẫn có thể đảm bảo tăng trưởng?

Theo Bloomberg, đó là một câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng. Ấn Độ là khách mua vũ khí hàng đầu của Nga, mặc dù mối quan hệ thương mại nói chung giữa hai nước khá hạn chế.

Các quan chức địa phương đang cân nhắc một số cách để tiếp tục hợp tác với Nga sau khi Mỹ và châu Âu chặn Moscow khỏi hệ thống SWIFT. Một phương án được đề xuất là Nga sẽ gửi đồng ruble vào các ngân hàng của Ấn Độ, sau đó chúng sẽ được chuyển đổi sang đồng rupee.

Một phái đoàn từ Alrosa đã đến thăm Ấn Độ vào tháng trước và gặp gỡ các nhóm thương mại để thảo luận về việc bán kim cương bằng phương án nêu trên. Song, các cuộc đàm phán không đi đến kết quả nào và các quan chức Ấn Độ vẫn rất e ngại việc chọc giận Mỹ.

Ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao về Nam Á tại Đại học Singapore, cho biết Ấn Độ đang “đi trên dây” giữa việc duy trì lập trường thân Nga và đứng về phía phương Tây.

“Thách thức có thể gia tăng nếu xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài. Ấn Độ sẽ đối mặt với áp lực ngầm, buộc nước này phải dứt bỏ Nga và mối quan hệ thương mại với Moscow”, ông Palit nói tiếp.

Yên Khê

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.