Thế giới của những người 'ngồi nhà làm cho công ty nước ngoài'
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung Quân đã trải qua nhiều công việc từ lập trình, nhân viên IT trường học, đến công chức nhà nước song không ngừng tìm kiếm cơ hội làm freelance để tăng thu nhập.
Năm 2021, một trong những dự án freelance đã mang đến cho Quân cơ hội làm việc fulltime tại một công ty IT ở Thụy Điển nhưng không phải bay sang nước ngoài. Hình thức này gọi là làm remote.
Theo Quân, làm remote cho công ty nước ngoài có bốn ưu điểm: Lương cao hơn công ty trong nước, tự do về địa điểm, không cần phải ra ngoài gặp ai nên ít nhu cầu mua sắm và không mất thời gian đi lại hàng ngày. "7h45 tôi ngủ dậy, 8h ngồi vào bàn làm việc vẫn ổn", anh nói.
Cũng nhờ tính linh động của công việc, Quân có điều kiện thường xuyên đưa vợ con đi chơi mà không cần lên kế hoạch nhiều. Hè 2024, gia đình vào Đà Lạt sống một tháng. Hàng ngày ông bố trẻ vẫn làm việc, cuối tuần đi chơi xa.
"Chỉ cần máy tính kết nối mạng là ở đâu cũng làm việc được, không sợ chết đói", anh nói.
Remote là hình thức làm việc từ xa hoàn toàn. Nó khác với hybrid - mô hình làm việc xen lẫn thời gian làm việc ở văn phòng và tại nhà và không giống work from home - thường được xem là tình trạng làm việc tạm thời thích ứng (như trong Covid-19). Remote cũng không phải freelance - hình thức làm việc tự do theo từng dự án hoặc công việc ngắn hạn, cùng lúc cho nhiều doanh nghiệp.
"Số lượng người làm remote đang tăng nhanh, phổ biến nhất là các nhóm làm về công nghệ như lập trình web, app, bảo mật, business analyst", ông Trần Ngọc Tuân, CEO của một nền tảng việc làm dành cho freelancer cho biết.
Nhu cầu tuyển dụng làm remote thường đến từ các công ty Âu Mỹ và những doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch với công ty nước ngoài. Theo báo cáo Chỉ số Làm việc Từ xa Toàn cầu (GRWI) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 59/108 quốc gia là điểm đến hấp dẫn cho làm việc từ xa, nhờ vào chất lượng đường truyền Internet và hạ tầng kỹ thuật số phát triển. Đặc biệt ngành công nghệ hiện có số lượng nhân sự dồi dào với hơn 530.000 người, chủ yếu thuộc thế hệ Millennials và Z.
Cơ duyên làm remote đến với Hoàng Trang, 32 tuổi, ở TP HCM một cách tình cờ. Sau 9 năm làm văn phòng, Trang được một doanh nghiệp của Đài Loan chủ động đề nghị làm remote cho họ ngay khi biết cô vừa nghỉ việc công ty cũ.
Khác với làm remote bên lập trình, hoặc các ngành khác sẽ được giao nhiệm vụ rõ ràng, công ty cho cô toàn quyền phát triển thị trường nên phải tự đưa ra kế hoạch. Thời gian đầu, Trang có chút mất phương hướng do không có hướng dẫn cụ thể.
Sau một thời gian cô bắt nhịp được công việc. "Mình có nhiệm vụ xây dựng thị trường, xây dựng kênh phân phối và phát triển thương hiệu của công ty ở Việt Nam và Campuchia nên đi công tác liên tục", cô gái làm đại diện cho công ty trong lĩnh vực mã vạch chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 1,5 năm gắn bó cô hoàn toàn làm chủ công việc và thời gian. Bằng việc "làm ở đâu cũng được", cô thường có những chuyến du lịch 0 đồng trong những chuyến công tác.
"Trước đây làm ở vị trí trưởng phòng cung ứng nên trách nhiệm cao, stress lớn. Khi sang công việc này, chỉ khi không đạt doanh số mới stress", cô chia sẻ và tiết lộ có mức lương gấp đôi chỗ cũ, thi thoảng có thêm hoa hồng.
Công việc chủ yếu dùng tiếng Anh, nhưng cô đang tự học tiếng Trung để có thể kết nối nhiều hơn với cấp trên và đồng nghiệp ở trụ sở chính.
Với Khánh Duy, 24 tuổi, ở TP HCM, làm việc remote là một cách giúp anh cân bằng lại cuộc sống. Duy đang làm một công ty IT khởi nghiệp nước ngoài, giờ giấc tự do, thậm chí có thể có thể tự đặt giờ họp. Địa điểm làm việc quen thuộc của anh là một quán cà phê. Đôi khi nổi hứng, anh lên rừng, xuống biển.
"Tôi vừa mới dành một tuần ở Đà Lạt, thú vị là mọi người đến quán cà phê chụp ảnh, còn tôi ngồi đó làm việc từ 8h đến 21h", anh chia sẻ.
Lúc mới ra trường, Duy nghĩ làm IT phải đi nhậu nhiều, gặp nhiều người mới tạo được các mối quan hệ tốt. Thời đó, anh đi nhậu 3-4 lần mỗi tuần, ngủ muộn và lười vận động. Một ngày khi đang ngồi code một mình ở nhà, đầu anh bỗng đau nhói, mắt tối sầm. Duy không còn biết gì cho đến 20 phút sau tỉnh dậy thấy mình nằm dưới sàn. Sự việc khiến chàng trai bừng tỉnh và quyết định thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
"Giờ làm remote, tôi có thời gian dành cho sức khỏe, có không gian làm việc đầy cảm hứng và người sếp tận bên kia đại dương nhưng luôn tận tình dẫn dắt trong nghề nghiệp", kỹ sư IT chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều màu hồng. Duy nhấn mạnh những bất lợi của người làm remote như không có lương tháng 13, bảo hiểm xã hội, hay những bữa tiệc dịp lễ, Tết. Để khắc phục, anh đã tự đóng bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân.
Còn Trang, để cải thiện kết nối xã hội thường tụ tập với đồng nghiệp cùng ngành, học hỏi kinh nghiệm và hóng "drama công sở". Cô nàng cũng thường xuyên phải giải thích công việc của mình với gia đình, vì họ không hiểu rõ về hình thức làm việc này.
"Để khỏi phải giải thích, tôi chuyển ra ngoài sống cho tự do", cô nói.
Kinh nghiệm nhiều năm làm freelance trước khi chuyển sang remote, Quân cho biết hoàn toàn có thể thương lượng với chủ những vẫn đề nảy sinh. Ví như, thay vì nghỉ Giáng sinh cùng các đồng nghiệp ở bên kia bán cầu, anh đã thỏa thuận chuyển thành một tuần nghỉ Tết Nguyên đán.
Không như nhiều người nghĩ làm remote là "tụt hậu", Quân thấy càng làm càng tự tin. Do chỉ có một mình nên khi gặp vấn đề phải tự tìm cách giải quyết và không ngừng học hỏi mỗi ngày nên anh càng tiến bộ trong chuyên môn.
Điều anh thích nhất ở remote là được sống ở quê nhà, gần với bố mẹ, chi phí cuộc sống thấp hơn ở thành phố mà mức lương vẫn tốt. Do chủ động được công việc, anh còn đang tự kinh doanh.
Ông Trần Ngọc Tuân khuyên nếu bạn muốn tìm kiếm công việc remote, hãy tích lũy kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ và xây dựng một hồ sơ nổi bật trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.
"Việt Nam đang trở thành điểm có nguồn lao động hấp dẫn cho nhiều công ty Âu Mỹ và những người có kỹ năng phù hợp sẽ có cơ hội kiếm được lương tốt hơn so với công ty trong nước", ông Tuân nói.