Jack Ma tái xuất: Gặp Chủ tịch Trung Quốc cùng các lãnh đạo Tencent, Huawei, BYD, Xiaomi
Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba, cùng các lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghệ tại Bắc Kinh. Cuộc họp cho thấy Trung Quốc có thể đang hướng tới một môi trường kinh doanh cởi mở hơn sau nhiều năm siết chặt quy định, tờ CNN nhận định.
Ngoài Jack Ma, những doanh nhân có mặt còn có nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, CEO của BYD Vương Truyền Phúc, CEO của CATL Tăng Vũ Quân, CEO của Tencent Mã Hóa Đằng, CEO của Meituan Vương Hưng, CEO của Xiaomi Lôi Quân và CEO của DeepSeek Lương Văn Phong.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập nói với các doanh nhân rằng họ có tiềm năng lớn và triển vọng sáng sủa. Ông khẳng định những khó khăn kinh tế hiện tại chỉ mang tính tạm thời và cam kết sẽ loại bỏ rào cản đối với cạnh tranh công bằng trên thị trường.
“Bây giờ là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát triển,” ông phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân. Đây cũng là nơi ông từng gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân vào năm 2018.

Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba. (Ảnh: Getty Images).
Cuộc họp diễn ra chỉ vài tuần sau khi mô hình AI mới nhất của DeepSeek thu hút sự chú ý toàn cầu. Công nghệ này đạt hiệu suất ngang với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ nhưng có chi phí thấp hơn nhiều. Thành công này mang lại sự lạc quan cho ngành công nghệ Trung Quốc, vốn vẫn đang phục hồi sau hơn ba năm chịu ảnh hưởng từ các biện pháp siết chặt quản lý.
Chiến dịch siết chặt quy định bắt đầu vào cuối năm 2020, sau khi Jack Ma chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng Trung Quốc trong một bài phát biểu quan trọng. Những lời phê bình của ông đã dẫn đến đợt kiểm soát mạnh mẽ nhất trong lịch sử doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Tencent, Didi và Meituan cũng bị ảnh hưởng. Kể từ đó, Jack Ma, người từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, gần như biến mất khỏi công chúng.
Việc ông xuất hiện trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Bắc Kinh có thể đã khép lại giai đoạn siết chặt này. Theo giáo sư luật Angela Huyue Zhang từ Đại học Nam California, Trung Quốc dường như đã giải quyết xong những lo ngại liên quan đến đế chế kinh doanh của Jack Ma.
“Bối cảnh kinh tế trong nước đang chững lại, áp lực địa chính trị ngày càng tăng. Chính phủ muốn thể hiện rằng họ coi trọng khu vực tư nhân và cần doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới cũng như tăng trưởng”, bà nói với CNN. Bà cho rằng cuộc họp này đánh dấu một nỗ lực mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, và khôi phục niềm tin của giới kinh doanh.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều khó khăn khi môi trường quốc tế trở nên căng thẳng hơn. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Thay vì phục hồi nhanh chóng sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch vào cuối năm 2022, nền kinh tế lại trì trệ. Ngành bất động sản suy yếu và niềm tin tiêu dùng thấp tiếp tục gây áp lực lớn.
Cuộc họp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các doanh nhân tư nhân cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh chính sách. Fred Hu, Chủ tịch công ty đầu tư Primavera Capital, nói với Reuters rằng đây là một thay đổi quan trọng.
“Khu vực tư nhân là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc và là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ đã chịu nhiều thiệt hại do các chính sách và quy định không ổn định. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ”, ông nói.
Chiến dịch siết chặt quản lý của Trung Quốc đã khiến giá trị thị trường của nhiều công ty lớn sụt giảm hơn 1.000 tỷ USD. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về tương lai của đổi mới và sáng tạo.
Năm 2021, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát với ngành giáo dục tư nhân và dịch vụ giao đồ ăn. Dù chiến dịch này có vẻ đã kết thúc hơn một năm trước, nhiều doanh nhân vẫn chưa thực sự yên tâm và không còn mở rộng kinh doanh mạnh mẽ như trước.