Thế giới có hơn 324 triệu ca mắc COVID-19, hơn 5,5 triệu ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h15 ngày 15/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 324.658.822 ca mắc COVID-19 và 5.549.574 ca tử vong. Số ca hồi phục là 265.597.501 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 66.209.535 ca mắc và 872.086 ca tử vong. Nước này đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do sự lây lan của biến thể Omicron.
Để ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/1 đã cập nhật hướng dẫn về việc đeo khẩu trang, theo đó khuyến nghị đeo loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt nhất, đeo khít mặt và thường xuyên.
Cũng theo CDC Mỹ, khẩu trang phẫu thuật và KN95 cung cấp sự bảo vệ tốt hơn và các loại khẩu trang đeo khít mặt được Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phê duyệt, trong đó có N95, cung cấp sự bảo vệ cao nhất cho người dùng trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
CDC Mỹ vẫn không khuyến khích đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, song khuyến nghị tất cả giáo viên, học sinh và những người đến trường học cần đeo khẩu trang trong không gian kín, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc tỷ lệ lây nhiễm của khu vực. CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang lần gần đây nhất vào tháng 10/2021.
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản khi số ca mắc mới trong ngày 15/1 vượt ngưỡng 25.000 ca kể từ ngày 26/8/2021. Như vậy, đến nay nước này ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19 và 18.423 ca tử vong.
Thời gian qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều khu vực ở Nhật Bản đã chạm các mốc cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, tại tỉnh Okinawa - nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản (70%), 1.829 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, từ 0h ngày 15/1, Nhật Bản bắt đầu rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với người nhập cảnh từ những quốc gia/vùng lãnh thổ mà biến thể Omicron đang chiếm chủ đạo.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sau khi nhập cảnh, những người này phải cách ly bắt buộc ở nhà hoặc các cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định, được Trung tâm Giám sát y tế đối với người nhập cảnh từ nước ngoài (HCO) theo dõi sức khỏe và hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Đối với những người nhập cảnh từ cách quốc gia/vùng lãnh thổ khác, thời gian cách ly bắt buộc và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi nhập cảnh vẫn là 14 ngày. Quy định mới này được áp dụng cả với những người đã nhập cảnh vào Nhật Bản.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo 39.004 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca đang phải điều trị cũng tăng kỷ lục với 280.813 ca. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong.
Biến thể Omicron đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, khu vực gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người.
Giới chức Bộ Y tế Philippines cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận 1.054 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Tháng 7/2021, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Sau đó, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày vào tháng 12/2021.
Tuy nhiên, trong tháng này, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Nam Á lại tăng cao trở lại do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng.
Còn tại Israel, tính đến ngày 14/1, số bệnh nhân COVID-19 nặng đã tăng lên 306 bệnh nhân, trong đó 86 bệnh nhân rất nặng và 76 bệnh nhân phải thở máy.
Theo Bộ Y tế Israel, trong số 306 bệnh nhân trở nặng có 125 người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 32 người chưa tiêm mũi tăng cường. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, người trên 60 tuổi chiếm 6% số người chưa tiêm phòng nhưng chiếm tới 35% số ca nặng.
Ngày 15/1, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 sẽ được điều chỉnh dựa trên tình trạng tiêm chủng và biểu hiện triệu chứng. Quy trình cách ly và kiểm dịch mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/1.
Quyết định mới được đưa ra sau khi Bộ Y tế Malaysia đánh giá lại thời gian cách ly và giám sát dựa trên dữ liệu, khoa học và kinh nghiệm từ các quốc gia khác liên quan đến việc quản lý các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và các trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc.
Đối với người nhập cảnh, ông Khairy cho biết Malaysia vẫn áp dụng quy trình quản lý hiện hành. Ông cũng cho biết Bộ Y tế Malaysia đã nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong việc ứng phó với khả năng gia tăng các ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron.