|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc sắp chịu thêm đau đớn vì COVID-19

09:37 | 10/01/2022
Chia sẻ
Các nhà kinh tế nhận định chiến lược dập dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ gây ra thêm nỗi đau cho nền kinh tế, làm gián đoạn sản xuất và vận chuyển trong bối cảnh các cụm dịch vẫn bùng phát.
Kinh tế Trung Quốc sắp chịu thêm đau đớn vì COVID-19  - Ảnh 1.

(Hình minh họa: iStock).

Theo Bloomberg Economics, chính sách Zero COVID đồng nghĩa với việc bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào bị phát hiện cũng làm nảy sinh các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ làm thui chột chi tiêu tiêu dùng. 

Hai nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu ước tính tăng trưởng doanh số bán lẻ có thể chậm lại còn 3,7% trong năm nay nếu xuất hiện thêm bất kỳ đợt bùng phát nào, thấp hơn hẳn dự đoán tăng 13% trong 2021. 

Kinh tế Trung Quốc sắp chịu thêm đau đớn vì COVID-19  - Ảnh 2.

Số liệu tháng 12 là ước tính.

Tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều nếu Omicron đeo bám Trung Quốc vì biến chủng này rất dễ lây lan và vắc xin của Trung Quốc có vẻ không có nhiều tác dụng phòng ngừa. 

Trung Quốc đang chứng kiến các trường hợp mắc Delta nổi lên tại một số khu vực sau khi số ca nhiễm tại tâm dịch mới nhất là Tây An sụt giảm. Để khống chế sự lây lan của virus, Trung Quốc đã thi hành các biện pháp mạnh, bao gồm phong tỏa 13 triệu dân ở Tây An và ngưng các chuyến bay ra vào thành phố này.

Đất nước đông dân nhất thế giới nhiều khả năng sẽ duy trì chiến lược Zero COVID trong thời gian gần trong bối cảnh Omicron lây lan nhanh chóng trên thế giới và Bắc Kinh khai mạc Thế vận hội Olympic Mùa đông vào tháng sau. Goldman Sachs Group dự kiến Trung Quốc có thể giữ nguyên hạn chế biên giới cho đến hết năm 2022.

Du lịch đang bị ảnh hưởng tiêu cực, với số chuyến bay trong cuối tuần dài từ 1/1 đến 3/1 giảm 27% so với năm trước, đài truyền hình nhà nước CCTV dẫn số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho hay. Số chuyến đi bằng đường sắt và lưu lượng giao thông cũng đi xuống.

Chiến lược kiểm soát virus nghiêm ngặt của Trung Quốc đang đe dọa cắt đứt một phần năng lực sản xuất bộ nhớ máy tính của thế giới vì Tây An là một trong những cơ sở sản xuất chính trên toàn cầu, các nhà kinh tế tại Bank of America Global Research viết trong báo cáo. Ước tính khoảng 5% lượng bộ nhớ máy tính toàn cầu có thể bị tác động nếu Tây An bị phong tỏa đến tháng 3, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Cụm dịch khác tại thành phố cảng Ninh Ba cũng gây gián đoạn đến sản xuất may mặc ở Trung Quốc, với một công ty lớn trong khu vực thông báo tạm thời ngưng hoạt động. Tuy tác động tổng thể là không lớn, nhưng các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài khoảng ba tuần. 

Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) cũng có quan điểm tương tự như Goldman Sachs. Hai nhà kinh tế của ngân hàng ANZ viết trong báo cáo tuần trước rằng cụm dịch ở Ninh Ba có thể một lần nữa gây gián đoạn logistics tại cảng biển tấp nập thứ ba trên thế giới. Sự chậm trễ và các đơn hàng tồn đọng tại cảng sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát trong chi phí vận chuyển cũng như gây áp lực lên sản lượng xuất khẩu.

"Sự tái xuất của COVID-19 mang tới rủi ro sụt giảm lớn tới phục hồi kinh tế của Trung Quốc do những biện pháp phòng kiểm soát nghiêm khắc từ cách tiếp cận không khoan nhượng của chính phủ", báo cáo viết

Hỗn loạn trên thị trường tài chính

Cam kết đảm bảo ổn định kinh tế của Bắc Kinh đang bị thử thách bởi sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, buộc các quan chức tung thêm giải pháp.

Nhà đầu tư vừa trải qua một tuần căng thẳng. Việc Tencent thoái bớt vốn tại một công ty niêm yết đã khuếch đại đợt bán tháo 1.200 tỷ USD trong cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc mất hơn một nửa giá trị sau cuộc giải cứu 6,6 tỷ USD.

Evergrande phải ngừng giao dịch sau khi nhận lệnh phá dỡ hàng chục tòa nhà. Thêm một nhà phát triển bất động sản khác vỡ nợ, khiến trái phiếu rác USD của Trung Quốc lao dốc. Ý định thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kéo tụt giá đồng nhân dân tệ, làm dấy lên cảnh báo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc sắp chịu thêm đau đớn vì COVID-19  - Ảnh 3.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm vào tuần trước sau khi lao dốc 23% trong năm ngoái. Chỉ số ChiNext tại Thâm Quyến mất 6,8%, tổn thất lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Đồng nhân dân tệ đang hướng tới mức giảm mạnh nhất so với đồng USD trong vòng 4 tháng. 

Tuy giới chức trách đang hành động để củng cố ngành bất động sản và ổn định thị trường, ít có khả năng Bắc Kinh sẽ quá hào phóng với các biện pháp kích thích. Bắc Kinh không muốn mạo hiểm thổi phồng giá tài sản sau khi dành phần lớn năm ngoái trấn áp bong bóng đầu cơ. Cuối năm 2021, ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định sẽ không bơm tiền ngập thị trường tài chính.   

Các chuyên gia Citigroup viết trong lưu ý: "Chúng tôi không tin sự can thiệp kiểu "chính sách tiền tệ bazooka" hay các cuộc giải cứu doanh nghiệp trực tiếp là có khả năng xảy ra".

Giang