Phố Wall tha thiết tìm tới Trung Quốc dù 'tình duyên' lận đận muôn phần
Khi căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao vào mùa hè năm ngoái, CEO JPMorgan cho mọi người biết ông muốn đến Hong Kong sớm nhất có thể. Jamie Dimon đã làm được điều này vào tháng 11, trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của một ngân hàng lớn tại Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Chuyến đi của ông đến Hong Kong là lời nhắc về sự gắn bó của JPMorgan với thành phố và Trung Quốc đại lục, nơi JPMorgan có giá trị chịu rủi ro khoảng 20 tỷ USD, phần lớn từ các khoản vay, tiền gửi và đầu tư.
Một số chính trị gia Mỹ đã kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia và nhân quyền. Dù vậy, các ngân hàng Phố Wall lại củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, JPMorgan giành quyền kiểm soát toàn bộ một công ty chứng khoán ở Trung Quốc, và giờ muốn làm điều tương tự với mảng quản lý tài sản.
Morgan Stanley đang tìm cách xin 5 giấy phép ngân hàng tại Trung Quốc đại lục trong năm 2022. Goldman Sachs đang tăng gấp đôi nhân lực tại Trung Quốc lên thành 600 người. Tháng vừa rồi, Citigroup nộp đơn xin giấy phép ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán và có kế hoạch xin giấy phép giao dịch hợp đồng tương lai vào năm 2022, bổ sung thêm 100 nhân viên tại quốc gia này.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đang phả nhiệt vào doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại New York. Nhưng các ngân hàng Mỹ muốn có phần trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đồng thời là nhà phát hành cổ phiếu lớn thứ hai toàn cầu – và đang chuyển hướng sang đối đầu các nhà băng lớn nhất Trung Quốc trên chính sân nhà.
Gokul Laroia, CEO khu vực Thái Bình Dương của Morgan Stanley nói về quyết định cạnh tranh ở Trung Quốc: "Chúng tôi không có lựa chọn". Theo ông thì tuy các ngân hàng quốc tế chưa kiếm được nhiều tiền tại Trung Quốc nhưng nước này có tiềm năng khổng lồ. "Nếu bạn kiên quyết không đầu tư vào các nền tảng Trung Quốc đại lục vì chúng không sinh lời bằng ở Mỹ, thì bạn đang bỏ lỡ cơ hội".
Phố Wall từ lâu đã coi Trung Quốc là lãnh thổ sinh lời khổng lồ cuối cùng trên Trái đất, và 2021 được kỳ vọng là năm mà những khoản đầu tư lớn đem lại trái ngọt. Nhưng ngay trước khi 2021 bắt đầu, Bắc Kinh đã hoãn cuộc IPO 35 tỷ USD của Ant Group, khiến các doanh nghiệp như JPMorgan và Citigroup hỏng ăn khoản phí gần 400 triệu USD. Sau đó loạt chính sách quản lý mới trên nhiều lĩnh vực đã làm giảm nhu cầu IPO.
Giá trị các đợt IPO của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ lao dốc 52% trong 2021, khiến tiền phí của các ngân hàng sụt giảm mạnh. Năm 2020, các ngân hàng Phố Wall kiếm được hơn 1 tỷ USD từ phí IPO của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng sang năm tiếp theo con số này chỉ còn 625 triệu USD.
Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ rằng họ không nhất thiết phải niêm yết tại nước ngoài khi có thể dễ dàng lên sàn ở Hong Kong hay thông qua các sàn giao dịch tại Thượng Hải hoặc Thâm Quyến.
Peter Alexander đã cố vấn cho các nhà quản lý tài sản toàn cầu tại Trung Quốc trong gần hai thập kỷ. Gần đây một quan chức Trung Quốc đã nói rõ với ông: "Peter này, hãy nói với khách hàng của ông rằng chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh vốn của họ, nhưng chúng tôi không còn cần thị trường vốn nước ngoài".
Trắc trở
Dấn thân sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc chứa đầy rủi ro. Các công ty chứng khoán nhà nước có đội ngũ rộng khắp, sẵn sàng thỏa thuận với các startup và doanh nghiệp có tên tuổi của Trung Quốc. Cả năm 2020, doanh nghiệp tài chính toàn cầu báo cáo khoản lỗ tổng cộng 48 triệu USD trên đất Trung Quốc, trong khi các ngân hàng của nước này lãi 24,4 tỷ USD.
Bảng xếp hạng giao dịch cho thấy các ngân hàng nước ngoài chưa xâm nhập được sâu vào Trung Quốc sau nhiều năm cố gắng. Theo dữ liệu của Bloomberg, Goldman đứng thứ 15 về huy động vốn cổ phần trong nước tại Trung Quốc vào năm ngoái. Các ngân hàng nước ngoài chưa bao giờ chen vào được thị trường trái phiếu nội địa, tuy có thành tích khá hơn với các vụ sáp nhập và mua lại.
Dick Bove, nhà phân tích tại Odeon Capital Group nhận xét: "Không một đại gia ngân hàng nào của Mỹ có gì đáng để cung cấp tại thị trường nội địa Trung Quốc. Trung Quốc đã học hỏi mọi thứ ngân hàng Mỹ dạy về cách vận hành hoạt động ngân hàng đầu tư, và giờ không còn cần các ngân hàng Mỹ nữa".
Các công ty tài chính Mỹ đang chịu chỉ trích gay gắt về Trung Quốc tại quê nhà. Thượng nghị sĩ Mitt Romney gọi các khoản đầu tư vào Trung Quốc của trùm quỹ đầu cơ Ray Dalio là "sai lầm đáng buồn về mặt đạo đức", còn Thượng nghị sĩ Rick Scott cáo cuộc các ngân hàng đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền.
Giáo sư Mark Williams tại Đại học Boston nhận xét: "Cơn sốt đào vàng tại Trung Quốc của các ngân hàng lớn Phố Wall với hy vọng vớ được lợi nhuận béo bở gây ra rất nhiều lo ngại. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng rủi ro chính trị, cũng như khả năng về các lệnh trừng phạt và thay đổi chính sách đột ngột có thể ngăn cản kế hoạch mở rộng".
Phố Wall vẫn không nao núng, và Jamie Dimon của JPMorgan Chase không phải vị CEO duy nhất nóng lòng muốn lên máy bay để tới đất nước tỷ dân. Một số nguồn tin thân cận cho biết CEO David Solomon của Goldman Sachs sẽ đến Trung Quốc ngay khi có thể.
Các nhà quản lý tài sản toàn cầu đang đổ xô vào thị trường quỹ tương hỗ 24.400 tỷ nhân dân tệ (3.800 tỷ USD) của Trung Quốc. Tháng 9/2021, BlackRock huy động 1 tỷ USD cho quỹ Trung Quốc đầu tiên. Trong khi đó Amundi của Pháp nhắm tới việc tăng gấp đôi tài sản đang quản lý tại Trung Quốc lên 250 tỷ USD vào năm 2025.
Nhưng không phải mọi nhà quản lý tài sản lớn đều hứng khởi về thị trường Trung Quốc: Vanguard đã phải hủy bỏ kế hoạch xin giấy phép quỹ vào năm ngoái. Ông Alexander, cố vấn cho các công ty quản lý quỹ nhận định: "Trung Quốc đã trở thành cơ hội kinh doanh cực kỳ khó nắm bắt".