Tỷ phú Mỹ Ray Dalio đưa tiền bạc, con cái đến Trung Quốc bất chấp mọi lời khuyên ngăn
Các quan chức từ quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc đến Westport, bang Connecticut với mục tiêu duy nhất: Học hỏi từ Bridgewater Associates, quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới. Những vị khách quý này được mời đến Bridgewater bởi chính nhà sáng lập Ray Dalio, người đã dành hàng thập kỷ lặng lẽ kết thân với Bắc Kinh.
Lời mời thân thiện cách đây hơn một thập kỷ này chỉ là ví dụ nhỏ về mối quan hệ phức tạp mà ông Dalio đã tạo dựng với các quan chức Trung Quốc.
Bridgewater là một trong hàng chục công ty tài chính phương Tây tìm cách mở rộng sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng kiếm lời không phải động lực duy nhất: Trong gần 40 năm, ông Dalio đã nói về niềm say mê của mình với Trung Quốc và lớn tiếng ca ngợi đất nước và chính phủ Trung Quốc.
Sự ủng hộ kiên định của ông Dalio đã kéo theo nhiều lời chỉ trích từ các chính trị gia và tạo ra căng thẳng với chính CEO David McCormick của Bridgewater. Ông McCormick đang cân nhắc tranh cử vào Thượng viện.
Những người thân cận cho biết ông Dalio có sự kính trọng sâu sắc dành cho Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này. Thậm chí ông còn lập ra một nhóm để điều hành Bridgewater và đặt tên nó là Bộ Chính trị, theo tên cơ quan hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc. Năm 1995, ông gửi con trai 11 tuổi sang sống và học tập tại Bắc Kinh trong một năm.
Dù là vô tình hay hữu ý, ông Dalio đã biến niềm đam mê với Trung Quốc thành mối quan hệ hợp tác kinh doanh thành công.
Bridgewater được quản lý tiền của nhà nước Trung Quốc kể từ 1993. Các khách hàng của công ty bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc - China Investment Corp (CIC) và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước. CIC có 1.000 tỷ USD tài sản và cơ quan quản lý dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng có khoảng 1.000 tỷ USD được quản lý bởi đối tác bên ngoài.
Tổng cộng, công ty của Dalio quản lý khoảng 5 tỷ USD cho hai tổ chức trên. Như vậy, Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của Bridgewater tính theo quy mô tài sản, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Dẫu vậy, hai vị khách hàng này chỉ tạo ra 2% doanh thu cho Bridgewater.
Trùm đầu cơ Dalio, với tài sản ròng 15,6 tỷ USD cũng đã chuyển hướng tài sản cá nhân của mình sang Trung Quốc. Kể từ đầu thập niên 2000, quỹ của gia đình ông đã quyên góp 115 triệu USD cho các tổ chức từ thiện Trung Quốc, bao gồm phúc lợi trẻ em và các tổ chức thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung, nguồn tin nói với Bloomberg.
Làm ăn trên đất Trung Quốc
Bridgewater mở văn phòng tại Bắc Kinh năm 2011 và đến năm 2016 thì bắt đầu thành lập Bridgewater China Investment Management có trụ sở tại Thượng Hải. Công ty xin được giấy phép để quản lý tiền của khách hàng nội địa năm 2018.
Tháng 11, Bridgewater China Investment huy động 8 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) cho quỹ đầu tư tư nhân mới. Những người thạo tin cho biết tổng tài sản đang quản lý tại Trung Quốc của Bridgewater đã đạt hơn 10 tỷ nhân dân tệ, biến Bridgewater thành nhà quản lý quỹ đầu cơ nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc.
Các bình luận của ông Dalio về cơ hội đầu tư và giới lãnh đạo của Trung Quốc trong nhiều năm qua đa phần hết sức tích cực nhưng đôi khi cũng có phần bi quan.
Năm 2015, một lưu ý khách hàng bị rò rỉ ra truyền thông của ông Dalio viết rằng quan điểm của ông về Trung Quốc đã thay đổi và "không còn chỗ nào an toàn để đầu tư" ở nước này nữa.
Chỉ vài ngày sau, ông rút lời, nói rằng dự kiến tăng trưởng giảm tốc không phải vấn đề lớn vì Trung Quốc "có nguồn lực và lãnh đạo đầy tài năng để xử lý những thách thức này".
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, sự ủng hộ của ông Dalio dành cho Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này đang tạo ra nhiều rắc rối hơn bao giờ hết.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC cuối tháng 11, ông Dalio bảo vệ lập trường: "Chẳng lẽ tôi cũng không nên đầu tư vào Mỹ vì các vấn đề nhân quyền của chính nước ta và những rắc rối khác? Trung Quốc là nước điều hành từ trên xuống, họ hành xử như vị phụ huynh nghiêm khắc".
Sự phẫn nộ đối với lời nói này lớn đến mức CEO McCormick phải phân trần với các nhân viên rằng ông đã có rất nhiều tranh luận về Trung Quốc với Chủ tịch Dalio trong những năm qua. Ông khẳng định mình không đồng ý với quan điểm của ông Dalio.
Vài ngày sau, ông Dalio có vẻ hối hận và lên Twitter để giải thích rằng ông" không thể hiện ý kiến của riêng mình hay ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc. Mục đích chính của tôi là giúp các bên thấu hiểu nhau".