|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới chìm trong khủng hoảng cát, con người vẫn thờ ơ

20:51 | 10/12/2022
Chia sẻ
Toàn bộ xã hội văn minh của loài người đều được xây dựng trên cát. Cát là nguyên liệu thô được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới sau nước và là thành phần thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

 Nhu cầu khai thác cát đã tăng lên 50 tỷ tấn/năm vì đà tăng của dân số và quá trình đô thị hóa. (Ảnh: Reuters)

Vai trò của cát

Cát là nhân tố chính giúp kiềm chế nước dâng do bão, đảm bảo môi trường sống tự nhiên lành mạnh cho nhiều loài sinh vật và chống xói mòn. 

Cát là thành phần chính được sử dụng trong xây dựng đường, cầu và cả các dự án cải tạo đất. Cát, sỏi và đá nghiền cùng nhau được nấu chảy để làm kính. Nguyên liệu này cũng được sử dụng để sản xuất màn hình máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí cả chip silicon.

Cát là một trong những loại hàng hóa quan trọng nhất thế giới nhưng lại không được trân trọng như nhiều nguồn tài nguyên quý giá khác do việc khai thác cát quá dễ dàng.  

Do tình trạng khai thác quá mức, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu hụt cát. Các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

Cát có thể được tìm thấy ở hầu hết các quốc gia trên Trái đất, với các sa mạc và đường bờ biển trên khắp thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả cát đều hữu ích. Các hạt cát sa mạc quá mịn và tròn, không thể được sử dụng cho xây dựng. Loại cát được khai thác nhiều nhất thường nằm ở đáy biển, bờ biển, mỏ đá và bờ sông.

Tốc độ khai thác cát trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua một phần do quá trình đô thị hóa gia tăng. Tốc độ này vượt xa tốc độ tạo ra cát nhờ phong hóa đá bằng gió và nước.

Các chuyên gia lưu ý việc khai thác cát không có kiểm soát sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học và tạo ra các rủi ro môi trường.

Các hạt cát sa mạc quá mịn và tròn, không thể sử dụng cho mục đích xây dựng. (Ảnh: Getty Images)

Tiếng chuông cảnh báo

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố tháng 4/2022 đã kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn một “cuộc khủng hoảng cát”, với gợi ý về lệnh cấm khai thác cát trên bãi biển khi nhu cầu leo lên 50 tỷ tấn/năm vì dân số và quá trình đô thị hóa gia tăng.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết cát là nguồn tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên thế giới sau nước, nhưng việc sử dụng tài nguyên này phần lớn không được kiểm soát. Theo báo cáo, con người đang tiêu thụ cát nhanh hơn quá trình tái tạo địa chất kéo dài hàng trăm nghìn năm.

Tiêu thụ cát toàn cầu để sản xuất thủy tinh, bê tông và làm vật liệu xây dựng đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ, đạt 50 tỷ tấn mỗi năm, tương đương khoảng 17 kg/người/ngày, gây hại cho các dòng sông và bờ biển, thậm chí xóa sổ các đảo nhỏ.

Trong phần đầu của báo cáo, bà Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc Bộ phận Kinh tế tại UNEP, đã viết: “Chúng ta đang trong tình thế không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội nếu không cải thiện việc quản lý tài nguyên cát và nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể tránh được khủng hoảng cát.”

Ông Pascal Peduzzi, điều phối viên của UNEP, đã lưu ý về một số tác động của tình trạng khai thác cát quá mức. Tại sông Mekong, con sông dài nhất ở Đông Nam Á, việc khai thác cát đã khiến đồng bằng sụt lún, khiến những vùng đất màu mỡ trước đây nhiễm mặn.

Tại một con sông ở Sri Lanka, việc khai thác bỏ cát đã làm đảo ngược dòng chảy khiến nước biển chảy vào đất liền.

Tại châu Phi, cát được vận chuyển từ các bãi biển đến các thành phố để phục vụ công tác xây dựng. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể khiến các đường bờ biển dễ hư hỏng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, như những trận bão với cường độ lớn hơn.

Đề xuất giải pháp

Báo cáo của UNEP đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có lệnh cấm khai thác cát tại bãi biển và xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc tế về nạo vét biển, vấn đề có thể gây hại cho đa dạng sinh học đại dương.

Báo cáo cũng kêu gọi giảm nhu cầu bằng cách thay thế cát bằng các vật liệu tái chế như bê tông hoặc quặng đuôi (vật chất thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản có dạng bùn).

Ông Peduzzi nói: “Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ cách thức sản xuất, xây dựng và tiêu thụ sản phẩm. Nguồn cung cát không phải là vô tận và chúng ta cần sử dụng tài nguyên này một cách khôn ngoan”.

Ông Peduzzi nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể đưa ra cách quản lý khai thác cát, chúng ta có thể ngăn chặn khủng hoảng và tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn.”

Bà Louise Gallagher, người phụ trách Sáng kiến ​​Quan sát Cát toàn cầu của UNEP/GRID-Geneva, cho biết các vấn đề liên quan đến tài nguyên cát đã trở thành vấn đề “phức tạp” và cần được giải quyết.

Bà Gallagher đưa ra 5 ưu tiên để quản lý tài nguyên cát trong hai năm tới gồm: hợp tác xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu trong tất cả lĩnh vực; tìm kiếm các vật liệu thay thế khả thi và hiệu quả về chi phí; điều chỉnh khung pháp lý về môi trường, xã hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính liên quan đến khai thác cát; tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên cát; thiết lập các mục tiêu cấp khu vực, quốc gia và toàn cầu về sử dụng cát ở quy mô phù hợp.

Bà Kiran Pereira, nhà nghiên cứu và người sáng lập trang SandStories.org cho rằng điều quan trọng là phải tập trung vào những điều tốt đẹp đang diễn ra.

Ví dụ, Zurich đang xây dựng các tòa nhà với 98% bê tông tái chế. Thành phố Amsterdam đã đặt mục tiêu giảm một nửa mức sử dụng tài nguyên thiên nhiên vào năm 2030. Đó là mục tiêu cần theo đuổi.

Ông Peduzzi lưu ý điều đáng lo ngại là thách thức liên quan đến nguồn tài nguyên cát vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng trên phạm vi toàn cầu. Đây vẫn là vấn đề còn mới. Nhiều chính sách phát triển không hề đề cập đến vấn đề này. Ông Peduzzi nói: “Đã đến lúc con người cần thức tỉnh”.

Trà My

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.