|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đất nước nhỏ bé ẩn tàng ngành nông nghiệp khổng lồ (Phần 1): Xuất khẩu hơn 100 tỷ USD mỗi năm

08:19 | 27/11/2022
Chia sẻ
Công nghệ tiên tiến đã biến một quốc gia nhỏ bé như Hà Lan trở thành “gã khổng lồ” trong xuất khẩu thực phẩm.

Một nông trại canh tác thẳng đứng tại Hà Lan. (Ảnh: picture-alliance)

Hơn một nửa diện tích đất tại Hà Lan được sử dụng cho nông nghiệp. Người Hà Lan thường nói rằng sự tập trung cao độ của họ vào sản xuất lương thực xuất phát từ nạn đói khủng khiếp mà đất nước đã trải qua trong Thế chiến thứ II.

Mặt khác, mối quan tâm về sản xuất thực phẩm đã manh nha từ thế kỷ 17, khi Hà Lan là trung tâm buôn bán gia vị toàn cầu.

Bậc thầy về nâng cao hiệu quả

Với diện tích đất hạn chế và khí hậu mưa nhiều, người Hà Lan đã trở thành bậc thầy về nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Với chỉ hơn 41.500 km2 diện tích (bằng ba tỉnh Nghệ An, Sơn La và Thanh Hóa cộng lại), Hà Lan đã giải được bài toán về nuôi sống người dân và trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới tính theo giá trị, chỉ sau Mỹ.

Điều quan trọng hơn là trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu gia tăng, Hà Lan vẫn là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất về nông sản lẫn công nghệ thực phẩm.

Theo tờ Washington Post, nhờ những tiến bộ của phương thức nông trại thẳng đứng, công nghệ hạt giống và robot, Hà Lan đã trở thành một mô hình toàn cầu về sản xuất nông nghiệp.

Quốc gia châu Âu này đã đi tiên phong về thịt nuôi cấy từ tế bào, công nghệ hạt giống và sử dụng robot trong vắt sữa và thu hoạch. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng dẫn đầu về những đổi mới tập trung vào giảm sử dụng nước cũng như hạn chế lượng khí thải carbon và mê-tan (CH4).

Với việc sử dụng ít phân bón và nước hơn, những trang trại trong nhà kính tại Hà Lan có thể đạt sản lượng trong một hecta tương đương với 10 hecta canh tác truyền thống. Các trang trại này chỉ sử dụng gần 2 lít nước để trồng khoảng 0,45 kg cà chua, trong khi mức trung bình toàn cầu là hơn 106 lít.

Khối lượng xuất khẩu ngày càng tăng một phần là nhờ nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đã tăng gấp ba lần trong ba thập kỷ qua.

Nhờ đó, năng suất tiếp tục đi lên trong khi sự phụ thuộc vào năng lượng và nước giảm bớt, và các nhà kính đã gần như loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu.

 Sinh viên tại một Viện nghiên cứu nông nghiệp tại Hà Lan. (Ảnh: John Laurenson) 

Thành tựu và thách thức

Hà Lan đã trở thành nước xuất khẩu thịt lớn nhất châu Âu, với sản lượng hàng năm đạt 4 triệu con bò, 13 triệu con heo và 104 triệu con gà. Quốc gia này cũng là nhà cung cấp rau cho phần lớn các nước Tây Âu, thông qua các nông trại trong nhà kính có diện tích gần 24.000 mẫu Anh (9.712 ha).

 

Năm 2021, xuất khẩu nông sản của Hà Lan lập kỷ lục, đạt 105 tỷ euro (khoảng 108,4 tỷ USD), nhờ giá cao hơn và khối lượng tăng. Kể từ năm 1995, khối lượng sản xuất cây trồng và vật nuôi của Hà Lan đã tăng 20% mà không làm tăng đáng kể mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong khi lượng sử dụng phân bón giảm.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của năm ngoái, nhóm liên quan đến trang trí và làm vườn như hoa, cây cảnh và các sản phẩm ươm cây có kim ngạch 12 tỷ euro, mặt hàng nông nghiệp có lợi nhuận cao tiếp theo là trái cây và rau, tiếp theo là thịt và sữa.

 

Đức đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan và ba thị trường lớn tiếp theo là Bỉ, Pháp và Anh, với hành tây và cà chua đứng đầu danh sách xuất khẩu.

Vị trí trung tâm của Hà Lan trong khai thác lương thực toàn cầu là không thể chối cãi: 15 trong số 20 doanh nghiệp nông sản lớn nhất thế giới như Nestlé, Coca-Cola, Unilever, Cargill và Kraft Heinz đều có các trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Hà Lan cũng đối mặt với thách thức. Ngành công nghiệp nhà kính phát triển mạnh một phần nhờ năng lượng rẻ, nhưng giá khí đốt tại Tây Âu đang tăng cao.

Hoạt động nông nghiệp thâm canh của đất nước cũng đang gặp rủi ro. Mùa hè này, một liên minh chính phủ bảo thủ đã cam kết giảm một nửa lượng khí thải nitơ vào năm 2030. Điều này sẽ đòi hỏi phải giảm đáng kể số lượng vật nuôi trong nước. Nông dân và chủ trang trại đã phản đối, và vẫn còn phải xem bất đồng này sẽ được giải quyết như thế nào.

Trà My