|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đất nước nhỏ bé ẩn tàng ngành nông nghiệp khổng lồ (Phần 3): Công nghệ chăn nuôi tiên tiến và trung tâm tái xuất khẩu

15:27 | 01/12/2022
Chia sẻ
Hà Lan đã trở thành nước xuất khẩu thịt lớn nhất Liên minh châu Âu (EU). Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thịt của nước này đã tăng lên 9,1 tỷ euro so với mức 8,5 tỷ euro của năm 2020.
Heo được 175 ngày tuổi và nặng khoảng 120 kg sẽ đủ điều kiện để giết mổ. (Ảnh: Washington Post)

Công nghệ giết mổ

Tập đoàn Vion Food của Hà Lan có 12 cơ sở chăn nuôi heo trên toàn cầu, trong đó 4 cơ sở tại Hà Lan và 8 cơ sở tại Đức. Tập đoàn này giết mổ 15 triệu con heo và gần 1 triệu con bò hàng năm tương đương 50% tổng số heo của Hà Lan và gần 40% tổng số lợn tại Đức.

Boxtel, một thị trấn ở miền nam Hà Lan, là nơi đặt cơ sở giết mổ lợn lớn nhất của Vion, với công suất làm thịt 20.000 con lợn/ngày. Vion sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và đánh dấu các trường hợp vật nuôi bị ngược đãi, đồng thời giảm căng thẳng cho vật nuôi. 

Tại nhiều cơ sở giết mổ ở Mỹ, tình trạng đông đúc và tiếng ồn lớn có thể làm tăng sự sợ hãi của vật nuôi. Những gia súc này thường bị giết bằng hình thức điện giật, điều mà nhiều chuyên gia cho là ít nhân đạo. 

Lợn được 175 ngày tuổi và nặng khoảng 120kg sẽ đủ điều kiện để giết mổ. Sau khi được vận chuyển từ các trang trại đến cơ sở giết mổ, các con lợn sẽ bác sĩ thú y kiểm tra có bị bệnh hay thương tật gì không, sau đó mới được đưa vào khu vực gây mê, sử dụng khí carbon monoxide và bị treo lên để giết mổ.

Quy trình giết mổ lợn tại một cơ sở của Vion Food. (Ảnh: Washington Post)

 Quy trình giết mổ lợn tại một cơ sở của Vion Food. (Ảnh: Washington Post)

Lợn sẽ được lấy mẫu máu để xác minh tình trạng sức khỏe trước khi xả thịt. Toàn bộ phần thân sẽ được nhúng vào nước nóng để loại bỏ lông, phần còn lại được thui ở nhiệt độ cao để diệt vi khuẩn. Lợn được cắt làm đôi theo chiều dọc và sau đó được làm lạnh từ 37 độ C xuống 6-7 độ C. 

Sau đó, phần thân sẽ được chia nhỏ và chế biến thành các món như thịt nguội, với phần lớn công việc do con người thực hiện. Nội tạng lợn được bán sang Trung Quốc và để làm thức ăn chăn nuôi, thịt nguội thường được bán sang Italy và sườn có thể xuất khẩu sang Mỹ. 

Trang trại trứng “xanh” 

Kipster là một công ty sản xuất trứng của Hà Lan nhằm mục đích cải thiện “đời sống” cho vật nuôi, xử lý chất thải thực phẩm và sản xuất trứng đạt chứng chỉ trung hòa carbon.

Các trang trại kết hợp ánh sáng tự nhiên cùng với không khí trong lành, gà không bị nhốt trong lồng và được chăn thả giống như môi trường sống tự nhiên của chúng. Và khác với thông lệ toàn cầu là giết những con gà trống không thể đẻ trứng, những con gà này vẫn được nuôi để lấy thịt. 

Gà chăn thả tại Kipster được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn thừa từ các siêu thị và nhà sản xuất thực phẩm, thay vì thức ăn chăn nuôi.

Một trang trại chăn nuôi của Kipster. (Ảnh: Washington Post)

Giám đốc điều hành, ông Ruud Zanders cho biết 30% sản lượng ngũ cốc thế giới được dành để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng “tôi muốn sử dụng tất cả đất canh tác để sản xuất ngũ cốc cho con người”. Ông Zanders nhấn mạnh thực phẩm cần được sản xuất bền vững và có đạo đức hơn. 

Sau khi được thành lập vào năm 2017, Kipster hiện có ba trang trại ở Hà Lan và một trang trại ở North Manchester (Mỹ). Hệ thống bán lẻ Kroger (Mỹ) đã đặt mua tất cả trứng từ trang trại này.

Dự kiến, đến tháng 6/2023, Kipster sẽ có 4 trang trại tại Mỹ, với sức chứa 24.000 con gia cầm/trang trại. Các cơ sở sẽ mở cửa cho người dân vào tham quan và quan sát hoạt động của vật nuôi. 

Các trang trại của Kipster có khu vườn trong nhà với giếng trời, cây cối, thân cây để leo trèo và mặt đất để mổ (gà sẽ không bị cắt mỏ). Điện cho các trang trại được lấy từ các tấm pin mặt trời, nhờ đó lượng phát thải là bằng 0.

Ông Zanders đưa vào chăn nuôi Dekalb White - một giống gà điềm tĩnh và hòa đồng. Giống gà lông trắng này có lượng phát thải thấp hơn 5% so với giống gà lông màu nâu.

Những con gà trống và mái khi hết năng suất trứng sẽ được giết mổ để làm sản xuất thịt viên cho chuỗi cửa hàng tạp hóa Lidl để bán trên khắp châu Âu. Lidl cũng đã ký hợp đồng mua tất cả trứng từ các trang trại của Kipster tại Hà Lan. 

(Ảnh: Washington Post).

Mô hình chăn nuôi của Kipster được phát triển với ý kiến đóng góp từ Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật Hà Lan và trường Wageningen University & Research để nâng cao đời sống, đảm bảo tính linh hoạt cũng như khả năng phát triển cho vật nuôi.

Ông Zanders cho biết, với cấu trúc dạng mô-đun dễ lắp ráp, mô hình chăn nuôi của Kipster có thể nhân rộng và phù hợp với hoạt động nông nghiệp tại các đô thị. 

Trung tâm tái xuất khẩu 

Không chỉ là nhà xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, Hà Lan cũng đã trở thành một trong những “nhà tái xuất khẩu” lớn của thế giới, nhờ vị trí địa lý trung tâm. Theo đó, Hà Lan nắm vai trò là trung tâm thương mại và hậu cần cho nhiều hàng hóa Mỹ, Trung Quốc tiếp cận Khu vực đồng euro.

Thống kê cho thấy 20% lượng rau quả tươi nhập khẩu vào châu Âu đi qua cảng của Hà Lan. Sân bay Schiphol, gần Amsterdam, là sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu về lưu lượng máy bay. Năm ngoái, sân bay này đã xử lý kỷ lục 1,66 triệu tấn hàng hóa.

Hà Lan cũng đã trở thành một trong những “nhà tái xuất khẩu” lớn của thế giới. (Ảnh: Washington Post).

Tuy nhiên, trong năm nay, lượng hành khách và hàng hóa dự kiến sẽ giảm so với năm ngoái, do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine. 

Sân bay Schiphol đang trong quá trình xây dựng một nhà ga mới, nơi sẽ có một hệ thống lưu trữ và truy xuất hoàn toàn tự động, với 12 cần cẩu xếp chồng và không gian để lưu trữ 2.500 pallet.

Dự kiến đi vào hoạt động năm 2024, nhà ga mới sẽ triển khai các phương tiện được hướng dẫn tự động để nâng cao hiệu quả di chuyển hàng hóa và các “cổng thông minh”, tự động ghi lại khối lượng và trọng lượng của tất cả các lô hàng thông qua công nghệ quét 3D.

Trà My