The Diplomat: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở ngã ba đường
Thách thức từ xe hơi nhập khẩu và ... đại dịch ập đến
So với năm 2019, sản lượng xe hơi thương mại trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ giảm 22% xuống còn 2,6 triệu chiếc. Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp ô tô thế giới khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa tránh dịch và GDP thực toàn cầu cũng do đó mà có thể giảm 3% trong năm 2020.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng không ngoại lệ, The Diplomat viết. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2020 chỉ đạt 11.761 chiếc, trong đó có 7.796 xe khách, 3.652 xe thương mại và 313 xe chuyên dụng.
So với tháng 3, doanh số bán xe khách giảm 40%, xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 16%. Trong 4 tháng đầu năm, doanh số bán xe của toàn thị trường giảm 36% so với cùng kì năm ngoái.
Nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch COVID-19. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên người tiêu dùng cũng mua ít xe mới hơn.
The Diplomat uớc tính 70% nguồn cung xe ô tô của Việt Nam là lắp ráp trong nước, 30% còn lại là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Các công ty kinh doanh ô tô tại Việt Nam phải trả thuế và lệ phí cao cũng như phải đối mặt với những lo ngại về tắc nghẽn đô thị.
Doanh nghiệp trong nước cũng yếu kém vì nhiều lí do. Cụ thể, các doanh nghiệp này chưa chịu hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa khâu lắp rắp - sản xuất với khâu sản xuất linh kiện - phụ tùng. Ngoài ra, thành phẩm cũng chưa áp dụng các công nghệ mới nhất.
Cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu còn phụ thuộc vào phụ tùng nhập khẩu và hầu như giá trị của phụ tùng cũng như linh kiện nội địa là đến từ các doanh nghiệp FDI. Vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là sự yếu kém trong đổi mới công nghệ, The Diplomat nhận định.
Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trong quá trình hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giá mua xe ô tô ở Việt Nam đắt hơn các nước ASEAN khác như Thái Lan hay Indonesia vì thuế và chi phí sản xuất trong nước cao. Mặt khác, các nước trong khu vực cũng có mức giá cạnh tranh hơn và có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn Việt Nam.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng thừa nhận rằng doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm xe nhập khẩu khi Việt Nam kí kết hiệp định EVFTA với châu Âu và CPTPP - hiệp định bao gồm nhiều nước sản xuất xe ô tô chất lượng cao. Hơn nữa, thuế nhập khẩu xe ô tô từ ASEAN vào Việt Nam đã giảm xuống 0% kể từ năm 2018.
Tiềm năng to lớn của thị trường và định hướng của Chính phủ
Bất chấp tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trở lại. Trong những năm tới, khối lượng ô tô nhập khẩu có thể tăng đáng kể do nhu cầu trong nước cao, điều này có thể gây áp lực không nhỏ đến các nhà sản xuất nội địa.
Bộ Tài chính đã đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được sản xuất và lắp ráp trong nước, đồng thời bộ còn đề nghị giảm thuế để thúc đẩy nội địa hóa phụ tùng, linh kiện ô tô.
The Diplomat nhận định dù chưa rõ thời điểm áp dụng, các đề xuất mới nêu trên không chỉ giúp xe ô tô lắp ráp trong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc mà còn mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế, bất chấp mức thu thuế giảm.
Đáng chú ý, vào ngày 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt kế hoạch giảm 50% lệ phí đăng kí đối với ô tô cho đến cuối năm nay.
Động thái trên sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa phục hồi và kích thích người dân tiêu thụ xe ô tô sản xuất cũng như lắp ráp trong nước thay vì mua xe nhập khẩu nguyên chiếc. Ngoài ra, điều này cũng giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định song phương, đáng chú ý AVFTA nếu tới đây được Quốc hội thông qua có thể giảm mức thuế nhập khẩu ô tô từ EU về mức 55 - 75%, cạnh tranh với ô tô trong nước.
Hơn nữa, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Theo một báo cáo của PwC, đến hết năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 44 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 là 95 triệu. Chuyển biến tích cực này sẽ giúp thay đổi lối sống của xã hội Việt Nam và kích thích tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm giá trị gia tăng cao như xe ô tô.
Mức sống của người dân trong nước tăng tạo bàn đạp cho doanh nghiệp ô tô nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, The Diplomat nhận định.
Thị trường xe hơi cao cấp của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm nay bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Người tiêu dùng hiện đang có xu hướng lựa chọn những chiếc xe sang trọng.
VinFast là thương hiệu ô tô của tập đoàn Vingroup và đang đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô và xe máy hàng đầu Đông Nam Á. Trong khi đó, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) hiện đang là hãng sản xuất ô tô hàng đầu Việt nam, chiếm 32% thị phần trong nước. Thaco có kế hoạch sản xuất và lắp ráp ô tô trong tương lai.
Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đang đón nhận một số tín hiệu tích cực. Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay và năm tới, báo hiệu sự thịnh vượng của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai có thể gắn liền với nền kinh tế xanh khi chính phủ theo đuổi chính sách giảm thải khí CO2 cũng như loại bỏ bớt các vấn đề sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu kích thích sản xuất và tăng cường mức độ sử dụng xe điện thông qua chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025 và các nghị định mới về thuế.
The Diplomat kết luận, Chính phủ Việt Nam cần điều chỉnh chính sách linh hoạt để hỗ trợ ngành ô tô vượt qua những thách thức mới phát sinh từ thị trường quốc tế cũng như từ các yếu tố địa chính trị khác.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/