Thay vì đua đốt tiền, các thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2020
2019 là một năm đầy biến động với thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, và vài sàn rời cuộc chơi. Nhìn chung, những thương hiệu lớn đều đã trải qua những chuyển biến tích cực.
Chính vì lẽ đó, 2020 sẽ là một năm đầy hứa hẹn với thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Dưới đây là 3 dự đoán về thị trường trong năm 2020, theo các nhà phân tích từ iPrice Group.
Lợi nhuận được ưu tiên hơn tốc độ phát triển
Câu chuyện của WeWork trong năm 2019 đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của các nhà đầu tư. Do đó, việc rót tiền vào một công ty nào đó trong năm 2020 có thể sẽ diễn ra theo một cách thận trọng hơn. Chính vì lẽ đó, các công ty tăng trưởng bền vững và có khả năng tạo ra lợi nhuận sẽ có sức hấp dẫn hơn.
Các kì lân châu Á nói chung sẽ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ xu thế này. Tháng 12/2019, hãng gọi xe Ấn Độ Ola đã giảm 5%-8% số nhân viên. Một startup khác của Ấn Độ là Oyo cũng đã sa thải hàng nghìn nhân viên trong năm 2019.
Gần hơn nữa, kì lân Bukalapak của Indonesia cũng đã sa thải hàng loạt nhân viên trước áp lực từ các nhà đầu tư. Teddy Oetomo, giám đốc chiến lược của Bukalapak cũng từng thẳng thừng tuyên bố mục tiêu của công ty lúc này là xây dựng một công ty bền vững, chứ không phải tăng trưởng.
Tại Việt Nam, xu thế tương tự cũng thể hiện rõ nét với việc hai sàn thương mại điện tử là Adayroi và Lotte.vn đã ngừng hoạt động. Công ty chủ quản hiện tại đều có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận.
Hầu hết sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam đều đang phụ thuộc vào tiền đầu tư. Tiki, Lazada, Sendo và Shopee đều báo lỗ trong năm 2018 và tiếp tục gọi vốn trong năm 2019.
Theo nhận định từ iPrice Group, các sàn thương mại điện tử sẽ phải cân nhắc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang việc tạo ra lợi nhuận để tránh rơi vào số phận tương tự như Lotte.vn hay Adayroi.
Phát triển thêm cơ sở hạ tầng
Việc khách hàng không hài lòng về khâu giao hàng đã trở nên phổ biến với các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê của Price và Parcel Performance, 34,1% người cảm thấy chất lượng giao hàng cần phải cải thiện. Tại Việt Nam, một nghiên cứu cho thấy người mua phải chờ trung bình 5,6 ngày để nhận hàng - lâu thứ hai tại Đông Nam Á.
Nhận thấy nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân Việt Nam là rất lớn, các sàn thương mại điện tử đang chạy đua để cải thiện chất lượng trong khâu giao hàng, bằng nhiều chiến lược khác nhau.
Ví dụ, Tiki đã giới thiệu TikiNow, chính sách giao hàng trong vòng 2 tiếng. Để giao hàng nhanh, Tiki yêu cầu người bán chuyển hàng tới kho của công ty. Bên cạnh đó, Tiki đã kí kết hợp đồng với Unidepot, một công ty logistic với 35.000 mét vuông kho bãi trên toàn quốc.
Bước đi của Tiki khiến các đối thủ cũng phải chạy đua để thay đổi theo. Shopee mới ra chính sách giao hàng sau 4 tiếng còn Sendo tuyên bố họ giao hàng trong 3 tiếng.
Năm 2020, cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các sàn thương mại điện tử sẽ ngày một khốc liệt. Dữ liệu từ báo cáo Q & Me 2019 cho thấy giao hàng nhanh vẫn nằm trong số năm lí do hàng đầu để đưa ra quyết định mua sắm trực tuyến của người Việt Nam vào năm 2020.
Nhu cầu khách hàng sẽ hấp dẫn và đa dạng hơn
Bên cạnh những sàn thương mại điện tử phải nói lời chia tay thị trường, 2019 cũng đánh dấu sự xuất hiện của một vài đơn vị nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả hơn.
Vào tháng 10/2019, Lozi thông báo họ nhận khoản đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Startup này hiện đang đặt mục tiêu sẽ giao hàng cho khách trong khoảng thời gian 1 tiếng.
Một ví dụ khác là Telio với nền tảng thương mại điện tử B2B. Công ty cũng đã gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A vào tháng 12/2019.
Ngoài ra, hai startup khác cũng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong năm qua là The Gioi SkinFood hay Fado.vn. Điểm chung của tất cả các sàn thương mại điện tử này đều là tập trung vào một thị trường cụ thể, chứ không đa dạng và dàn trải.
Chính vì nhu cầu mua sắm của người Việt đang tăng nhanh, nên kì vọng của họ vào thị trường cũng tăng theo. Khách hàng đang có xu hướng tìm kiếm sản phẩm, nhãn hiệu đặc thù phù hợp với bản thân.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư vào thương mại điện tử. Với các ông lớn, họ hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/