|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thay đổi để phát triển, nhìn từ câu chuyện AhaMove

07:55 | 24/01/2018
Chia sẻ
Thay đổi là điều cần thiết, nhưng thay đổi như thế nào để có thể phát triển thì không hẳn lúc nào cũng đơn giản. Câu chuyện từ AhaMove có thể đưa ra vài gợi ý.

Tháng 8-2015, Công ty Giao Hàng Nhanh ra mắt ứng dụng AhaMove, một dịch vụ tương tự như Uber nhưng trong lĩnh vực vận tải hàng hóa dựa trên xe ba gác và xe tải nhỏ. Nhiều kỳ vọng đã được đặt ra nhưng thực tế lại cho thấy một bức tranh khác nên AhaMove buộc phải điều chỉnh. Đến tháng 1-2016, họ bắt đầu thay đổi chiến lược.

thay doi de phat trien nhin tu cau chuyen ahamove

Quay lại thời điểm bắt đầu dự án, lý do khiến AhaMove chọn khai thác thị trường vận tải hàng hóa là do các khảo sát đã chỉ ra đây là một thị trường tiềm năng. Dịch vụ kho vận Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP trong khi Mỹ chỉ là 8%, Thái Lan 17%. Riêng chi phí vận tải đường bộ chiếm đến 60% chi phí kho vận hàng năm với hơn 7 tỉ đô la Mỹ. Trong số này, hơn 70% xe tải chỉ chạy một chiều. AhaMove đã kỳ vọng đem đến cơ hội chuyên chở hai chiều cho các xe tải để tiết kiệm chi phí vận chuyển và chia sẻ một phần doanh thu từ hoạt động này.

Tuy vậy, khi vận hành, công ty gặp nhiều khó khăn do những đặc thù trong ngành. Thứ nhất, phần lớn các chủ hàng đều có mối vận chuyển của mình đã được hình thành theo thời gian và họ gần như không có nhu cầu thay đổi. Họ hài lòng với việc bốc điện thoại gọi thẳng cho bác tài xe tải quen thuộc thay vì phải cài ứng dụng trên điện thoại để gọi tài xế tự do - những người mà họ không quen biết. Về phía tài xế, câu chuyện cũng tương tự khi họ không quen làm người lao động công nghệ cùng với việc phải chia sẻ doanh thu với một bên trung gian. Tình huống này buộc AhaMove hoặc tiếp tục đổ tiền để xây dựng thói quen cho người dùng, hoặc dừng cuộc chơi.

Cách thức vận hành của Ahamove

AhaMove hoạt động dựa trên nền tảng kết nối tương tự như Uber nhưng tập trung vào giao hàng thay vì chở người. Giả sử cửa hàng A bán cà phê, khách đặt giao tận nơi và A dùng dịch vụ AhaMove. AhaMove sẽ chuyển yêu cầu này đến đội ngũ giao hàng (shipper) tự do thông qua ứng dụng. Shipper sẽ đến A, tự ứng tiền trước để nhận hàng và thu lại từ khách khoản tiền có cộng thêm phí giao nhận. AhaMove sẽ chia sẻ một tỷ lệ phần trăm nhất định trên phí giao nhận đó.

Cách vận hành như trên có một số ưu điểm: nhà bán lẻ như A sẽ thu được tiền mặt ngay khi bán hàng mà không phải chờ đợi; khách mua nhận được hàng nhanh chóng trong vòng 30 phút đến hai tiếng đồng hồ; shipper có thêm thu nhập từ việc tận dụng phương tiện sẵn có và thời gian nhàn rỗi. Về phía mình, AhaMove có thể mở rộng nhanh chóng mà không tốn chi phí cố định để trả cho các shipper.

Nhưng đồng thời với bối cảnh này là những cơ hội mở ra do thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu giao hàng tăng lên. Sự xuất hiện của Uber và GrabBike cũng góp phần xây dựng một lực lượng giao hàng bằng xe máy rất tiềm năng. Nhận thấy thị trường TMĐT và đội ngũ giao nhận (shipper) - hai yếu tố cần thiết của kết nối giao hàng đã sẵn sàng, AhaMove quyết định thay đổi: tập trung xây dựng đội ngũ giao hàng dựa trên xe máy thay vì xe tải nhỏ; phục vụ TMĐT thay vì các tiểu thương ở chợ truyền thống; đưa ra cam kết giao hàng trong vòng từ 30 phút đến hai tiếng đồng hồ.

Bước ngoặt trên đã đem lại kết quả tích cực. AhaMove có được nhiều khách hàng lớn, đơn hàng ổn định; tốc độ tăng trưởng phổ biến 10-40% mỗi tháng. Đến cuối năm 2017, trung bình mỗi ngày công ty vận chuyển thành công hàng chục ngàn đơn hàng ở Hà Nội và TPHCM. Lĩnh vực phục vụ thì rất đa dạng, từ đồ ăn thức uống, thực phẩm sạch tới hàng thời trang, mỹ phẩm...

Nhìn lại giai đoạn đã qua, ông Nguyễn Xuân Trường, CEO AhaMove, chia sẻ hai bài học.

Thứ nhất là trong cuộc chơi khởi nghiệp công nghệ, người chơi cần có tư duy thử sai để chọn ra cái đúng. Khi có tư duy này, người ta không bị khủng hoảng khi đối mặt sai lầm, đồng thời, luôn ở tâm thế chủ động sẵn sàng thay đổi. Và khi đã chọn ra mô hình được thị trường chấp nhận thì cần phải tập trung mở rộng thật nhanh.

Thứ hai là cần quan sát chặt chẽ xu hướng thị trường để có những thay đổi mở ra hướng phát triển. Thị trường ở đây không chỉ gói gọn ở Việt Nam mà cần nhìn ra thế giới và nhìn trên cả chuỗi giá trị thương mại chứ không dừng ở các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Việc quan sát các nước phát triển và có tầm ảnh hưởng như Mỹ và Trung Quốc có thể giúp nhận ra nhiều điều. Lấy ví dụ tại Mỹ, thời gian giao hàng của Amazon được rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày. Rồi từ giao hàng trong ngày, họ cải tiến và cung cấp thêm dịch vụ Amazon Prime Now giao hàng trong vòng hai giờ. Tháng 7-2017, Amazon Prime Now đã ra mắt tại Singapore. Điều gì xảy ra nếu dịch vụ này có mặt tại Việt Nam? Câu trả lời cụ thể vẫn nằm ở thì tương lai. Nhưng quan sát trên thị trường có thể thấy vào tháng 9-2017, Tiki đã chính thức giới thiệu gói dịch vụ Tiki NOW giao hàng trong vòng hai tiếng đồng hồ.

Ông Trường còn chia sẻ thêm một câu chuyện khác của hệ thống siêu thị Hema thuộc Alibaba tại Trung Quốc. Nơi đây, khách có thể mua sắm trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Riêng với khách mua trực tuyến, đội ngũ nhân viên của Hema sẽ mua hàng hộ khách và đặt các đơn hàng lên băng chuyền ra khu giao nhận. Tại khu giao nhận, hàng hóa sẽ được đội ngũ vận chuyển giao đến tận địa chỉ của khách mua. Và vì hàng hóa là những thực phẩm tươi sống nên thời gian giao hàng được yêu cầu càng nhanh càng tốt.

Đến đây, thử đặt câu hỏi nếu có một Hema tương tự tại Việt Nam, đơn vị nào sẽ đảm nhận dịch vụ giao hàng nhanh cho họ? Một câu hỏi khác: nếu như TPHCM và Hà Nội cấm xe gắn máy trong nội thành, bài toán giao hàng phải giải ra sao? Nhờ quan sát tận mắt khi đến Trung Quốc, AhaMove có những phương án chuẩn bị cho riêng mình. Tuy những thay đổi ở Mỹ hay Trung Quốc không chắc sẽ diễn ra một cách tương tự ở Việt Nam, nhưng biết và hiểu bản chất của những thay đổi ấy có thể giúp AhaMove tự tin hơn trong hoạch định chiến lược phát triển của mình. Nói cách khác, họ không sợ bỏ lỡ tương lai. Điều tương tự cũng có thể được xem xét áp dụng cho những lĩnh vực khác.

Larry Page, người đồng sáng lập Google từng phát biểu: “Nhiều công ty không thành công theo thời gian. Về cơ bản, họ đã làm gì sai? Họ thường bỏ lỡ tương lai”. Nhưng làm sao biết được tương lai như thế nào để không bỏ lỡ? Với câu hỏi này, từ lâu, cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã có lời giải: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai đó là tạo ra nó”. Đến đây, nếu bạn không đủ nguồn lực như những người khổng lồ để tạo ra tương lai thì cũng đừng quá lo lắng, vì bạn có thể chủ động theo dấu người khổng lồ và gợi ra cho mình những cơ hội.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Tâm

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.