Tháo gỡ khó khăn trong đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng bởi COVID-19
Tại cuộc họp báo thường kì Bộ Công Thương diễn ra hôm 16/10, liên quan đến vấn đề đứt gãy nguồn cung ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành điện tử, dệt may, da giày là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Sau quí I năm nay, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi. Đến nay, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ.
Ông Thành cho biết hiện nay vấn đề lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là dệt may, da giày khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút.
Trước đó, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết dịch COVID-19 gây thiệt hại kép đối với ngành dệt may Việt Nam.
Đầu tiên, COVID-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Bắt đầu từ cuối tháng 3, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng do đó tình hình xuất khẩu ngành dệt may trở nên ảm đạm.
Quí I, kim ngạch xuất khẩu giảm 2%. Sang quí II, kim ngạch giảm sâu tới 27%, quí III bắt đầu khá hơn một chút. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 25,7 tỉ USD, giảm hơn 11% so với cùng kì năm ngoái.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn sau đại dịch về nguồn tiêu thụ sản phẩm như: kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế.
Đồng thời Bộ cũng kiến nghị bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, gạo, da giày nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020...
Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp của nước ngoài tránh tình trạng đứt gãy kết nối với doanh nghiệp, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với các đối tác mới, thị trường mới.
Về thuế, phí, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, lùi thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, tận dụng các cơ hội khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực
Vấn đề nguồn cung nguyên liệu cũng đã nhiều lần được Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề cập tới với mong muốn được chủ động về vải nhằm đáp ứng qui tắc xuất xứ khi xuất, hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
"Chúng tôi kiến nghị chính phủ tạo điều kiện để ngành tự sản xuất được vải", ông Cẩm nói.