Tháng 7, giá thực phẩm Trung Quốc tăng hơn 9% vì dịch ASF, giá sản xuất giảm lần đầu tiên trong ba năm
Ảnh: AFP
Cụ thể, trong tháng 7, giá thịt heo đã tăng 27% so với cùng kì năm ngoái, trong khi giá trái cây tươi cũng tăng 39,1% và giá các mặt hàng phi thực phẩm cũng cao hơn 1,3%.
Dữ liệu lạm phát này được công bố sau khi Trung Quốc xác nhận hôm 6/8 rằng họ sẽ tạm ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ để đáp lại thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo CNBC.
Nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 7 tăng 2,8% so với cùng kì năm trước và cao hơn một chút so với mức 2,7% mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.
"Cơn sốt giá thịt heo tiếp tục đẩy lạm phát tiêu dùng lên cao", ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về vấn đề Trung Quốc tại Capital Economics, cho hay. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng suy yếu đã kéo lạm phát giá sản xuất đi xuống vào tháng 7.
Trong tháng 7, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,3% so với cùng kì năm 2018, trong khi mức dự đoán của các nhà phân tích trên Reuters là 0,1%.
Chỉ số PPI là một thước đo để đánh giá khả năng sinh lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên chỉ số PPI của Trung Quốc giảm trong ba năm, làm tăng thêm lo ngại về rủi ro giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tình trạng này diễn ra ngay tại thời điểm Trung Quốc và Mỹ chưa thể dứt khỏi cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm.
Tuần trước, Tổng thống Trump cũng vừa tuyên bố áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, gây leo thang hơn nữa cuộc thương chiến giữa hai bên.
Với giá tiêu dùng tăng và giá sản xuất giảm, ông Evans-Pritchard kết luận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều bất lợi hơn.