|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhờ dịch tả heo châu Phi, thịt gà 'thắng lớn' ở thị trường Trung Quốc

08:30 | 04/08/2019
Chia sẻ
Các nhà sản xuất thịt gia cầm đang thu lợi khi cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc không có dấu hiệu suy yếu, từ đó giúp giá thịt gà tăng vọt.
106050207-1564557927050gettyimages-74006815

Ảnh: Getty Images

Giá gà lông trắng đã tăng gần 50%, ngân hàng Rabobank của Đức cho hay trên CNBC.

 Cụ thể, giá của loại gà này đã lơ lửng quanh khoảng 7,5 nhân dân tệ (tương đương 1,08 USD)/kg trong hai năm qua, tuy nhiên đã tăng lên 11 nhân dân tệ/kg vào năm 2019 và phá vỡ kỉ lục trước đó.

Mặc dù giá thịt gà chỉ duy trì ở mức vừa phải trong tháng 6, các nhà phân tích dự đoán nó sẽ tăng trong phần còn lại của năm nay, khi tình trạng thiếu thịt heo tiếp diễn vì dịch tả heo châu Phi càn quét và giết chết hàng triệu con heo.

Ông Rory Green, nhà kinh tế học tại TS Lombard, chia sẻ với CNBC rằng giá thịt gà cùng thịt heo sẽ tăng trong nửa cuối năm 2019.

"Gia cầm hiện được xem là lựa chọn an toàn vì lo ngại về vấn đề sức khỏe leo thang trước sự lây lan của dịch tả heo châu Phi. Điều này sẽ làm tăng thêm nhu cầu thịt gia cầm", ông Green cho hay.

Đàn heo ở Trung Quốc, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, ước tính đã giảm 40% so với một năm trước, theo Rabobank. Ngân hàng Đức cho hay vào hôm 30/7 rằng đàn heo của Trung Quốc có thể giảm một nửa vào cuối năm 2019.

Khi thực khách chuyển sang các lựa chọn thay thế khác, giá sản phẩm thịt như cá, thịt cừu và thịt bò cũng đã tăng vọt tại Trung Quốc. Giá thịt cừu đã tăng 11% so với cùng kì năm ngoái lên 56 nhân dân tệ/kg, trong khi giá thịt bò tăng 6% lên 57 nhân dân tệ/kg.

Tuy nhiên, gia cầm vẫn là mặt hàng thắng lớn nhất, nhờ đó giá cổ phiếu của doanh nghiệp tăng và thậm chí mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu thịt khác.

"Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn thịt gia cầm trong những tháng tới", ông Chenjun Pan, nhà phân tích cao cấp tại Rabobank, cho hay.

"Giá thịt gia cầm trên toàn cầu sẽ được củng cố vững chắc nhờ khối lượng sản phẩm do Trung Quốc nhập khẩu tăng, theo hướng gián tiếp lẫn trực tiếp", ông Pan nói.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thịt gia cầm của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Thái Lan, Ba Lan và Nga.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thịt gà được niêm yết ở Thâm Quyến cũng đã tăng lên.

Trong năm nay, cổ phiếu của Wens Foodsstuffs Group (hãng sản xuất thịt gia cầm và thịt heo lớn nhất Trung Quốc) đã tăng hơn 50%, trong khi cổ phiếu của công ty chăn nuôi gà Shandong Xiantan tăng 87%.

Giá cổ phiếu của một nhà sản xuất thịt gà khác, Shandong Minhe Animal Husbandry, cũng "nhích" hơn 200%.

Đậu nành cũng có thể là một mặt hàng hưởng lợi khác. Nhu cầu đậu nành dùng để chế biến thức ăn cho heo đã bị ảnh hưởng nặng nề do đàn heo sụt giảm vì dịch tả heo châu Phi.

Tuy nhiên, khi nông dân nuôi nhiều gà hơn, nhu cầu đậu nành có thể phục hồi trở lại ở Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới).

"Một phần lớn đàn heo bị tiêu hủy đã gây tác động tiêu cực đến nhu cầu bột đầu nành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng nuôi gia cầm và thủy sản đã giúp bù đắp một phần tình trạng này", công ty dịch vụ tài chính INTL FCStone cho hay.

Khả Nhân