|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tháng 5: Khối ngoại bán ròng hơn 1.600 tỉ đồng cổ phiếu nhưng gom gần 700 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội

19:04 | 01/06/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trong tháng 5, khối ngoại bán ròng cổ phiếu trên cả hai sàn HOSE và HNX, thị trường UPCoM. Tuy nhiên, khối này mua vào mã FUEVFVND và FUESSVFL lần lượt 676,7 tỉ đồng và 103,8 tỉ đồng.

Tiếp diễn đà tăng từ tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục hồi phục trong tháng 5. Theo đó, VN-Index tăng 95,36 điểm, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng (29/5) tại 864,47 điểm. Dòng tiền diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, kim loại, sản xuất thực phẩm...

Trái với đà hồi phục của thị trường, khối ngoại tiếp tục ghi nhận một tháng bán ròng. Thống kê giá trị giao dịch trong tháng 5, khối này đã xả hơn 919 tỉ đồng với khối lượng 146 triệu đơn vị. 

Khối ngoại bán ròng nghìn tỉ mã VHM nhưng mua ròng gần 2.400 tỉ đồng cổ phiếu MSN

Trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 451,3 tỉ đồng cùng bán ròng khối lượng 99 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tính riêng tại giao dịch cổ phiếu, giá trị bán ròng của khối ngoại lên tới 1.135 tỉ đồng; ngược lại, khối này gom 689 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội.

Chi tiết tại giao dịch chứng chỉ quĩ, NĐT nước ngoài gom mã FUEVFVND và FUESSVFL lần lượt 676,7 tỉ đồng và 103,8 tỉ đồng.

Tháng 5 - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ Fiinpro

Cổ phiếu dẫn đầu chiều mua ròng trong tháng 5 là MSN với giá trị 2.367 tỉ đồng. Phần lớn giá trị giao dịch cổ phiếu này đến từ giao dịch thỏa thuận khủng 39 triệu cp MSN phiên 14/5 của quĩ Ardolis Investment Pte Ltd của chính phủ Singapore. Theo đó, quĩ này đã bỏ ra khoảng 2.335 tỉ đồng cho thương vụ trên.

Thông tin thêm, bảng cập nhật tỉ phú thế giới theo thời gian thực của Forbes cho thấy, đến cuối ngày 22/5, Việt Nam có thêm hai tỉ phú đôla mới, trong đó có ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan.

Bên cạnh đó, khối ngoại mua mạnh cổ phiếu VNM (748 tỉ đồng) sau thông tin Vinamilk có kế hoạch mua lại 17,5 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 1% vốn điều lệ của công ty làm cổ phiếu quĩ. Thời gian thực hiện dự kiến từ 21/5 đến 20/6 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Vinamilk cho biết, nguồn tiền mua sẽ được trích từ quĩ đầu tư phát triển của công ty.

Mặt khác, dòng vốn ngoại thu hút bởi cổ phiếu VCB (639,2 tỉ đồng), VPB (396,4 tỉ đồng) và PLX (115,3 tỉ đồng). Cùng chiều mua ròng, khối ngoại rót vốn dưới trăm tỉ đồng vào mã CTG (78,7 tỉ đồng), PHR (66,5 tỉ đồng) và DGW (40,6 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối ngoại tập trung áp lực bán ròng lên cổ phiếu VHM (1.805 tỉ đồng). Phiên 28/5, thị trường ghi nhận giá trị giao dịch thỏa thuận mã VHM đạt hơn 2.200 tỉ đồng, cao nhất tính từ đầu năm 2020.

Cùng chiều bán ròng, dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu VIC (459,7 tỉ đồng). Đây cũng là cổ phiếu có phiên giao dịch thỏa thuận bùng nổ trong tháng qua. Cụ thể, phiên 19/5, cổ phiếu VIC dẫn đầu về giao dịch thỏa thuận với khối lượng thực hiện trên 14 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.351 tỉ đồng.

Theo sau đó, hai mã PC1 và HPG lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 446,2 tỉ đồng và 303,6 tỉ đồng. NĐT nước ngoài còn rút vốn khỏi cổ phiếu VGC (291,5 tỉ đồng), VRE (272,7 tỉ đồng), VCI (171 tỉ đồng), VJC (152 tỉ đồng), DPM (150 tỉ đồng) và SVC (138 tỉ đồng).

NĐT nước ngoài tập trung xả mã SHB, bán ròng 255 tỉ đồng trên HNX

Tương tự trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 255,2 tỉ đồng với khối lượng 33,6 triệu cp.

Tháng 5 - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ Fiinpro

Tại chiều bán ròng, khối ngoại bán ròng trăm tỉ đồng duy nhất cổ phiếu SHB (113 tỉ đồng). Theo sau đó, cổ phiếu ghi nhận áp lực thoái vốn từ khối này còn có PVS (94,8 tỉ đồng), SHS (24,4 tỉ đồng), HUT (23,6 tỉ đồng).

Một số mã khác bị khối ngoại bán ròng dưới 10 tỉ đồng như TNG (9,9 tỉ đồng), BVS (8,6 tỉ đồng), PGS (3,3 tỉ đồng), ngoài ra còn có TIG, DGC, ART.

Ở phía ngược lại, NĐT nước ngoài gom chủ yếu cổ phiếu VCS và NTP lần lượt 17,1 tỉ đồng và 8 tỉ đồng. Khối này còn tìm đến cổ phiếu PVI (3,3 tỉ đồng) và PLC (2,3 tỉ đồng). Dòng vốn ngoại đổ vào các mã khác như LAS, IDV, SLS, HDA, SDT và EID nhưng với giá trị thấp hơn.

Thị trường UPCoM ghi nhận giá trị bán ròng 213 tỉ đồng, tâm điểm ACV

Giao dịch tại thị trường UPCoM, hoạt động bán ròng áp đảo với giá trị 212,6 tỉ đồng và khối lượng 13,34 triệu đơn vị. 

Tháng 5 - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ Fiinpro

Về giá trị giao dịch cụ thể, khối ngoại xả mã ACV (173,4 tỉ đồng) trong tháng qua. Mới đây, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vừa được ban hành với nhà đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV. 

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, khối ngoại thoái vốn tại cổ phiếu BSR (79,9 tỉ đồng), VIB (20,1 tỉ đồng), VLC (17,3 tỉ đồng) và QNS (16 tỉ đồng). Một số mã cùng chiều bán ròng như NTC, KDF, ABI, VCW và GND tuy nhiên có giá trị dưới 10 tỉ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu VTP dẫn đàu về giá trị mua ròng tại UPCoM (35,54 tỉ đồng). Hai mã VEA và LPB theo sau với giá trị mua ròng tương ứng 32,45 tỉ đồng và 31,15 tỉ đồng. Mặt khác, cổ phiếu thu hút dòng tiền từ NĐT nước ngoài trong tháng 5 còn có MCH, TND, CTR, FOX, HND...

Thu Thủy