|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tháng 10/2016: Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản phục hồi

10:08 | 29/11/2016
Chia sẻ
Tháng 10/2016, XK tôm Việt Nam tăng 6% so với tháng 9/2016 đạt trên 337 triệu USD và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến hết tháng 10/2016, giá trị XK tôm đạt 2,58 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị XK tôm vẫn tiếp tục tăng là nhờ nhu cầu vẫn tốt từ các thị trường NK với giá trị tăng trưởng từ 3 thị trường NK lớn: Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tình hình nuôi tôm nước lợ trong tháng khá ổn định, thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu không có biến động, nhiều người nuôi có lãi do sản lượng đạt khá. Ước diện tích nuôi tôm nước lợ 10 tháng đầu năm đạt 678 ngàn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: tôm sú là 596 ngàn ha, tôm chân trắng đạt 82 ngàn ha), sản lượng đạt 433 ngàn tấn, tăng 1,7% so với 10 tháng 2015 (tôm sú là 203 ngàn tấn, tôm chân trắng là 230 ngàn tấn). Riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm sú ước đạt 565.611 ha (+1,7%), sản lượng ước đạt 195.114 tấn (-4,4%). Diện tích tôm chân trắng ước đạt 65.297 ha, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 193.397 tấn (+14,1%).

Tính tới tháng 10 năm nay, trong tổng XK tôm Việt Nam, tỷ trọng XK tôm chân trắng tăng 3% trong khi tỷ trọng XK tôm sú và tôm biển giảm lần lượt 3% và 0,3%. Tôm chân trắng sống/ tươi/đông lạnh (HS 03) là sản phẩm XK chiếm giá trị cao nhất của Việt Nam với trên 851 triệu USD.

Trong giai đoạn này, giá trị XK các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 11% trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sú giảm có thể do vấn đề nguồn cung. Trong tổng XK tôm, giá trị XK tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng tốt nhất 13% trong khi giá trị XK tôm biển giảm mạnh nhất 65% tuy nhiên chỉ chiếm giá trị nhỏ.

10 tháng đầu năm nay, XK sang top 5 thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan trừ Nhật Bản giảm 2,6%. XK sang Trung Quốc tăng tốt nhất 24,7%; XK sang Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng lần lượt 12,6%; 6,7% và 12,4%. XK sang các thị trường nhỏ hơn đều giảm từ 0,2% - 24,5%.

Mặc dù XK sang 2 thị trường quan trọng là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng dương trong 10 tháng đầu năm nay tuy nhiên tháng 10/2016, XK tôm sang 2 thị trường này lần lượt giảm 1,1% và 9,4% so với cùng kỳ năm 2015. XK tôm sang Mỹ giảm trong tháng 10 có thể là do áp lực tâm lý từ kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cao trong POR10. XK tôm sang Trung Quốc giảm trong tháng 10 do kinh tế Trung Quốc bất ổn, nhân dân tệ mất giá.

Ngược lại, XK sang Nhật Bản giảm 2,6% trong 10 tháng đầu năm nay tuy nhiên XK sang thị trường này trong tháng 10/2016 phục hồi rõ rệt 8,7%. Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU chiếm tỷ trọng 18,3% tổng XK tôm của Việt Nam.

Trong tổng XK tôm của Việt Nam sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất 54%, tôm sú chiếm 30%; còn lại là tôm biển (16%). Trong các sản phẩm tôm chân trắng XK sang Nhật Bản, phân khúc tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) chỉ gấp 1,1 lần so với phân khúc tôm chân trắng chế biến (HS 16). Trong khi, tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) XK sang Nhật Bản gấp gần 6 lần tôm sú chế biến (HS 16). Dự kiến, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm nay dự báo sẽ tăng nhẹ 3% đạt khoảng 601 triệu USD.

Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của tôm Việt Nam khi chiếm tới 23,4% tổng XK. Cũng trong thời gian này, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm chân trắng lớn nhất của các DN. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tôm chân trắng chế biến (thuộc mã HS 16) cao gấp gần 2 lần tôm chân trắng tươi, sống và đông lạnh (thuộc HS 03). Còn theo thống kê của ITC, hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 4 tôm cho thị trường Mỹ. Trong khi giá trị NK tôm từ các nguồn cung lớn Indonesia, Ấn Độ Thái Lan, Ecuador đều giảm trong nửa đầu năm nay thì giá trị NK tôm của Mỹ từ Việt Nam vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Với Trung Quốc, thị trường này được cho là thị trường hy vọng của nhiều DN XK trong năm 2017. Tính đến hết tháng 10/2016, giá trị XK tôm sang thị trường này tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 58% tổng XK tôm Việt Nam sang thị trường này; tôm chân trắng chiếm 39% và tôm biển chiếm 3%. Trung Quốc chủ yếu NK tôm sú sống/tươi/đông lạnh của Việt Nam với sản phẩm này gấp 63 lần tôm sú tôm sú chế biến.

Nhu cầu NK tôm của thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh, trong khi sản lượng tôm của nước này dự báo sẽ giảm từ 1,5 triệu tấn (năm 2015) xuống còn từ 1,2-1,3 triệu tấn (năm 2016) do gặp phải dịch bệnh.

Dự kiến, XK tôm Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 3,1 tỷ USD; tăng 3,3% so với năm 2015.

Kim Thu

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.