|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng của Apple nhìn từ sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ

08:00 | 23/04/2023
Chia sẻ
Gã khổng lồ Apple mới đây đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ, một trong những điểm đến tiềm năng cùng với Việt Nam khi Apple thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

CEO Apple Tim Cook đã có mặt tại Ấn Độ trong tuần này để khai trương các cửa hàng hàng đầu đầu tiên của “táo khuyết” tại đây. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì mà Apple muốn có, theo Fortune.

Tim Cook đã dành vài ngày tới thăm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, gặp gỡ các ngôi sao Bollywood và các ông trùm kinh doanh, đồng thời tìm hiểu về văn hóa địa phương – những bước đi cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong câu chuyện tăng trưởng của Apple.

Theo Counterpoint Research, Ấn Độ sản xuất 6% số lượng iPhone - một tỷ lệ rất nhỏ so với Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn các sản phẩm của Apple. Dù vậy, con số đó đang tăng lên nhanh chóng. Ấn Độ đang sản xuất khoảng 13 triệu iPhone mỗi năm, tăng cao so với chỉ 5 triệu vào ba năm trước.

CEO Tim Cook tại sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ. (Ảnh: Money Control).

Ngoài cửa hàng đầu tiên, Apple cũng coi Ấn Độ là một trong những điểm đến tiềm năng khi hãng cố gắng giảm sự phụ thuộc khỏi Trung Quốc. Trong buổi công bố báo cáo tài chính quý I, CEO Tim Cook cho biết ông "rất lạc quan về Ấn Độ", gọi đây là "thị trường cực kỳ thú vị" và là "trọng tâm chính" của công ty.

Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ là lựa chọn rõ ràng cho các nhà máy mới vì có lực lượng lao động lành nghề, khả năng tiếp cận thị trường điện thoại thông minh lớn và sự hỗ trợ của chính phủ đối với hoạt động sản xuất. Ngoài việc tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, sự chú ý của Apple đối với Ấn Độ cũng đang thúc đẩy quốc gia này cố gắng định vị mình là một cường quốc kinh tế.

Gene Munster, đối tác quản lý tại Deep Water Asset Management, một công ty đầu tư tập trung vào công nghệ, nói với Fortune: “Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác và điều đó hợp lý để Apple theo đuổi”

Ấn Độ là một trung tâm sản xuất

Ấn Độ bắt đầu định vị mình là điểm đến cho hoạt động kinh doanh quốc tế vào những năm 1990 khi các chính sách tự do hóa kinh tế biến nước này trở thành trung tâm toàn cầu về gia công phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

Ở cấp quốc gia, chính phủ của ông Modi đã thúc đẩy chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” từ năm 2014, nhằm thúc đẩy sản xuất tại địa phương và tạo ra việc làm. Các chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI) mang lại lợi ích tài chính cho các nhà sản xuất trong các ngành như điện tử và chất bán dẫn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Và một số chính sách đó đã có lợi cho Apple.

Prachir Singh, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research, cho biết: “Cả ba đối tác sản xuất của Apple ở Ấn Độ, gồm Foxconn, Wistron và Pegatron, đều được nhận lợi ích từ chương trình PLI, một trong những chương trình hàng đầu của chính phủ nhằm tăng cường sản xuất ở Ấn Độ”.

Đại dịch COVID-19 cũng góp phần tạo ra sự đổi mới cho Ấn Độ bằng cách thúc đẩy sự thay đổi đối với các công ty như Apple trong việc coi quốc gia này là một trung tâm sản xuất lớn. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID đã dẫn đến sự gián đoạn kéo dài, làm giảm đáng kể công suất sản xuất iPhone 14 vào năm ngoái. Do đó, doanh thu toàn cầu của Apple đã giảm trong ba tháng cuối năm 2022.

Các địa điểm sản xuất khác ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam, đã được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple khỏi Trung Quốc. Dù vậy, Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới hiện tại, đã cung cấp khả năng tiếp cận thị trường người tiêu dùng có thu nhập trung bình lớn mà Apple chưa trực tiếp khai thác.

Tháng 9 năm ngoái, Apple đã thông báo rằng họ sẽ sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, nơi họ đã lắp ráp một số mẫu trước đó kể từ năm 2017, bao gồm cả iPhone SE và iPhone 12. Vào năm 2023, 5% iPhone 14 của Apple dự kiến sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Một trong những nhà cung cấp chính của Apple, Foxconn, cũng được cho là đang chú ý đến việc mở rộng quy mô ở miền nam Ấn Độ như một phần của nỗ lực này.

Apple hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Câu hỏi hóc búa về thị trường điện thoại thông minh

Bất chấp sự nổi bật ngày càng tăng của Ấn Độ trong chuỗi cung ứng của Apple, quốc gia này sẽ vẫn đứng sau Trung Quốc trong hệ sinh thái của Apple trong một thời gian nữa. Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất phần lớn sản phẩm của Apple. Tính đến tháng 1, hơn 95% sản phẩm hàng đầu của Apple được sản xuất tại Trung Quốc, Financial Times đưa tin.

Những cơ hội mở ra cho Ấn Độ cũng đi kèm với những thách thức mang tính hệ thống. Theo Rossow, một số rào cản có thể kể tới khi Apple mở rộng sản xuất tại Ấn Độ bao gồm khả năng tiếp cận ổn định các tiện ích như điện do từng bang cung cấp và cải cách lao động.

Về phía người tiêu dùng, các sản phẩm của Apple vẫn được coi là một mặt hàng xa xỉ. Các thương hiệu cung cấp các lựa chọn thay thế rẻ hơn bao gồm Samsung và Xiaomi chiếm gần 40% thị phần thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ so với chỉ 4% của Apple, theo Counterpoint Research.

Ấn Độ cũng chậm thay đổi các quy tắc của mình để cho phép các công ty như Apple bán sản phẩm của họ trực tiếp cho người tiêu dùng. Bước đột phá bán lẻ muộn của Apple vào Ấn Độ là do các quy định ngăn cản các công ty nước ngoài mở các cửa hàng thương hiệu duy nhất ở Ấn Độ trừ khi 30% nguyên liệu thô dùng để sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương. Thay vào đó, Apple phải bán sản phẩm của mình ở Ấn Độ thông qua bên thứ ba.

Dù vậy, những hạn chế đó đã được nới lỏng vào năm 2019, mở đường cho gã khổng lồ công nghệ Apple mở một cửa hàng vào tuần qua sau khi kế hoạch ban đầu vào năm 2021 bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tương đối thấp của Ấn Độ so với một số quốc gia châu Á khác cho thấy Ấn Độ có thể đem đến nhiều cơ hội cho nhà sản xuất iPhone, đặc biệt là trong phân khúc smartphone cao cấp khi tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ ngày càng tăng.

Theo Counterpoint Research, khách hàng Ấn Độ đang lựa chọn các chương trình trao đổi, tài trợ và gói dịch vụ để mua các sản phẩm của Apple vì nhiều người trong số họ muốn được liên kết với thương hiệu cao cấp này.

Anh Nguyễn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.