|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng lớn của chủ sở hữu ứng dụng hát nhép TikTok

10:51 | 01/06/2019
Chia sẻ
Công ty sở hữu ứng dụng hát nhép TikTok muốn phát triển những mảng kinh doanh mới tại thị trường nội địa như điện thoại, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử hay nhắn tin, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế.
Tham vọng lớn của chủ sở hữu ứng dụng hát nhép TikTok  - Ảnh 1.

Ứng dụng nổi tiếng nhất của ByteDance chính là Douyin ra mắt năm 2016. (Ảnh: Getty Images)

Bytedance là một trong những công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất thế giới, được cho là trị giá 75 tỉ USD và sở hữu loạt ứng dụng từ tổng hợp tin tức đến dịch vụ mạng xã hội.

Công ty dự định phát triển sang các lĩnh vực mới như điện thoại thông minh nhưng giới phân tích lại cho rằng đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn.

CNBC đã tổng hợp một số thông tin về chủ sở hữu ứng dụng Tiktok.

ByteDance là gì?

Ra đời vào năm 2012 bởi doanh nhân công nghệ Yiming Zhang, ByteDance nhanh chóng ra mắt bộ ứng dụng đầu tiên trong cùng năm đó là Neihan Duanzi, một nền tảng giúp người dùng chia sẻ những câu chuyện đùa dưới dạng video ngắn, ảnh chế và bài viết. Neihan Duanzi ngừng hoạt động vào năm 2018 theo yêu cầu của giới chức.

Ngoài ra, ByteDance còn tung ra Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức sử dụng thuật toán để đề xuất bài viết và video cho người dùng vào năm 2012. Theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch, đây là một trong những ứng dụng tin tức lớn nhất Trung Quốc.

Ứng dụng nổi tiếng nhất của công ty là Douyin, ra mắt năm 2016. Phiên bản quốc tế của nó có tên là TikTok. Cả hai đều là những ứng dụng video ngắn cực kì thành công của Bytedance.

Tháng 7/2018, ByteDance thông báo Douyin và TikTok đã có 500 triệu người dùng trung bình hàng tháng (MAU). Con số đó ở thời điểm hiện tại có thể cao hơn bởi công ty thông báo trong hồi tháng 1 năm nay rằng chỉ riêng Douyin đã có 500 triệu MAU tại Trung Quốc.

Tập trung vào thị trường quốc tế

ByteDance là một trong số rất nhiều công ty Trung Quốc đặt mục tiêu bước chân vào thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Ngay từ đầu, ByteDance đã nỗ lực phát triển bên ngoài Trung Quốc. TikTok chỉ là một trong những sản phẩm quốc tế của họ, bên cạnh TopBuzz - một nền tảng đề xuất video và các bài viết nổi bật cho người dùng và BaBe - một ứng dụng tổng hợp tin tức ở Indonesia.

Cách kiếm tiền của ByteDance

Nguồn thu chính của ByteDance là quảng cáo. Trên Toutiao, người dùng sẽ nhìn thấy quảng cáo trên "news feed" của họ, trong khi trên Douyin tại Trung Quốc, các doanh nghiệp có thể trả tiền để chạy quảng cáo.

Hiện tại TikTok chưa cho phép quảng cáo, nhưng một bài báo hồi tháng 1 cho biết ByteDance đang thử nghiệm quảng cáo trên nền tảng và có thể thu về một nguồn doanh thu quốc tế mới.

Nguồn thu nhập chính cho TikTok là mua hàng trong ứng dụng. Người dùng có thể mua tiền ảo và dùng làm quà tăng cho người sáng tạo nội dung.

Theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, người dùng của TikTok đã chia xấp xỉ 5,5 triệu USD trên toàn cầu để mua tiền ảo. Con số này tăng khoảng 243% so với mức ước tính 1,6 triệu USD hồi tháng 2/2018.

Năm 2018, ByteDance đã không đạt được mục tiêu doanh thu từ 7,2 tỉ USD đến 7,9 tỉ USD đặt ra và lỗ 1,2 tỉ USD, theo báo cáo của Bloomberg.

Thử nghiệm các lĩnh vực mới

ByteDance được cho là đang nghiên cứu một loạt các lĩnh vực mới đem lại nhiều tiềm năng. Tháng 3 vừa qua, công ty con Lark Technologies đã ra mắt công cụ hỗ trợ làm việc nhóm Lark và chuẩn bị ra mắt dịch vụ stream nhạc mới cũng như phát triển dòng điện thoại thông minh có sẵn các ứng dụng mà công ty tạo ra.

Các nhà phân tích cho rằng hoạt động quảng cáo có thể gặp khó khăn trong thời kì suy thoái vĩ mô nên ByteDance đang tìm cách đa dạng hóa doanh thu thông qua mở rộng sang các thị trường ngoài Trung Quốc, đồng thời phát triển những mảng kinh doanh mới tại thị trường nội địa như điện thoại, giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử hay nhắn tin.

Mặc dù vậy, hầu hết các lĩnh vực này đều đã được các tập đoàn công nghệ khác khai thác từ lâu nên chặng đường trước mắt của ByteDance chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn.

Yên Khê