Thấm thía tác hại của chiến lược 'bỏ hết trứng vào một giỏ' trong đại dịch COVID-19, loạt đối tác của Apple gấp rút chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ
Trong tuần này, Wistron - một trong các đối tác sản xuất của Apple, cho biết một nửa công suất của hãng có thể sẽ được chuyển ra khỏi Trung Quốc trong vòng một năm.
Tuyên bố của Wistron cho thấy các hãng lắp ráp châu Á - nhân tố giúp duy trì chuỗi cung ứng iPhone và một số thiết bị khác cho người tiêu dùng thế giới, đang dốc sức thay đổi chiến lược sau khi đại dịch COVID-19 phơi bày lỗ hổng của việc "bỏ hết trứng vào chiếc giỏ Trung Quốc".
Quá trình dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang vào năm ngoái.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tiến trình này, theo Bloomberg. Quyết định đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các công ty như Wistron, Hon Hai Precision (hay Foxconn), Inventec và Pegatron có thể định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ.
Chia "giỏ trứng" ra nhiều nơi
Wistron - niêm yết tại Đài Bắc (Đài Loan), đang nhắm đến Ấn Độ, vốn là cơ sở sản xuất một số iPhone của hãng, cùng với Việt Nam và Mexico. Wistron đã dành riêng 1 tỉ USD để tài trợ cho kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm nay và năm tới.
"Thông qua nhiều tin nhắn từ các khách hàng, chúng tôi tin rằng đây là việc mà Wistron cần phải làm", Chủ tịch Simon Lin chia sẻ trong buổi công bố kết quả kinh doanh.
"Các khách hàng hài lòng và đánh giá cao nếu chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển sản xuất. Họ sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi", ông Lin nói thêm.
Pegatron - một hãng lắp ráp iPhone khác, cũng đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất. CEO Liao Syh-jang hôm 26/3 cho hay Pegatron dự kiến sẽ bắt đầu vận hành tại Việt Nam vào năm 2021 sau khi xây dựng một nhà máy mới tại Indonesia hồi năm ngoái, đồng thời hãng cũng đang nghiên cứu đến Ấn Độ.
Inventec - đối tác lắp ráp AirPod chính của Apple, hôm 24/3 cho hay họ đang chuẩn bị xây dựng cơ sở ở Việt Nam.
Hơn bất kì nhà lắp ráp nào khác, Foxconn đã thấm thía đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào bế tắc như thế nào.
Foxconn đã nhìn thấy trước một sự thay đổi tiềm năng trong mô hình sản xuất toàn cầu vốn thống trị ngành công nghệ điện tử trong hơn ba thập kỉ qua. Bên cạnh Việt Nam, công ty này cũng có một số cơ sở khác tại Ấn Độ và vừa bắt đầu sản xuất iPhone tại đó vào năm ngoái.
"Thương mại, đại dịch COVID-19 và nhiều thứ khác sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới trong thập kỉ tới", ông Alex Yang - giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Foxconn, gần đây chia sẻ.
Bloomberg nhận định Trung Quốc sẽ khó lòng mà từ bỏ hoàn toàn vị thế "công xưởng điện tử của thế giới" trong thời gian tới. Nguyên nhân là do khó có nước nào có thể tái tạo mạng lưới nhà cung ứng, công nhân có chuyên môn, hệ thống phân phối hiệu quả và thị trường quê nhà rộng lớn như Trung Quốc.
Hơn nữa, việc dịch chuyển sản xuất qui mô lớn cũng sẽ mất nhiều thời gian. Hồi cuối tháng 2, CEO Apple Tim Cook cho biết "táo khuyết" không muốn nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc chỉ vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh.
"Chúng tôi đang nói đến việc điều chỉnh một số bộ phận chứ không phải thay đổi toàn diện hay căn bản chuỗi cung ứng", ông nói.
Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển sản xuất đang tăng tốc, đặc biệt là ở các nhà sản xuất qui mô nhỏ. Nhóm này thường bao gồm các hãng sản xuất tiện ích phục vụ khách hàng chứ không phải Apple.
Phát ngôn viên Eva Kuo của Meiloon Industrial - công ty chuyên sản xuất loa và là đối tác của Harman International, Xiaomi,...cho biết họ đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất khác bên ngoài Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đến Đài Loan, Indonesia.
Kinh nghiệm chống dịch duy nhất của cộng đồng doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ còn lưu lại rất lâu sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, đặt ra câu hỏi về mô hình kinh doanh toàn cầu của các tập đoàn hiện đại.
"Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh", ông Joerg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói với Bloomberg tháng trước.
"Trung Quốc có cơ sở hạ tầng hoàn hảo và sẵn có để chúng ta tìm nguồn cung, mua hàng cũng như bán hàng tại đó. Hiện tại, tất nhiên chúng ta phải xem xét lại các kịch bản để biết nên làm gì tại Trung Quốc trong tương lai", ông nhấn mạnh.