|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thách thức tân Tổng giám đốc - chuyển đổi số, 'hóa rồng' FPT

14:31 | 29/03/2019
Chia sẻ
Tân Tổng giám đốc 7x của FPT sẽ chính thức nhận nhiệm vụ điều hành công ty thay thế cho lão tướng Bùi Quang Ngọc, điều này đánh dấu một cuộc chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ hai tại FPT.

Khát vọng "hóa rồng" FPT

Đại hội lần này, ban lãnh đạo FPT dành gần hai tiếng đồng hồ để nói về câu chuyện "Chuyển đổi số", mà như Chủ tịch Trường Gia Bình gọi là "hóa rồng FPT". Theo ông, chuyển đổi số là FPT sẽ làm những công việc của "rồng" làm, tư vấn cho các doanh nghiệp để chuyển đổi hệ thống, làm sao đi dần đến dữ liệu thời gian thực. 

Chuyển đổi số sẽ là câu chuyện chính ở FPT kể từ hiện tại, ông Bình nói "Chúng tôi lại tìm được niềm cảm hứng để làm, không đơn thuần chỉ là gia công công nghệ nữa". 

Theo ban lãnh đạo công ty, tốc độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, các công ty chuyển đổi số thành công có thể tăng trưởng kết quả kinh doanh, giảm thiểu đầu công việc cho nhân viên, dẫn đến tăng nhiều lần hiệu quả lao động. Với FPT công ty đặt mục tiêu  tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận trong vòng 3 năm. 

Trong phần phát biểu của mình, ông Trương Gia Bình tiết lộ, hiện chỉ có 30 doanh nghiệp trên thế giới chuyển đổi số thành công, và đến cuối năm ông cho biết FPT sẽ tham gia vào danh sách đó. 

Trong năm nay FPT sẽ làm 3 trường hợp chuyển đổi số, một là chuyển đổi số cho chính FPT, thêm đó chuyển đổi tại một doanh nghiệp nước ngoài và một doanh nghiệp trong nước. FPT sẽ dùng kinh nghiệm chuyển đổi số của mình từ đó khái quát và áp dụng cho các khách hàng khác. 

Ông Bình tự tin, nếu chuyển đổi thành công 3 trường hợp đầu tiên, FPT có thể tăng gấp đôi số lượng khách hàng dùng dịch vụ này mỗi năm.

Cổ đông đang đánh giá FPT quá thấp?

Tại đại hội, cổ đông FPT cũng đặt vấn đề xung quanh việc giá cổ phiếu công ty còn thấp so với các doanh nghiệp trên thế giới; như định giá một doanh nghiệp khác là VNG lên tới 2,2 tỉ USD, trong khi tại FPT chỉ là hơn 1 tỉ USD. 

 Về điều này, ban lãnh đạo FPT tỏ ra đồng tình, mặc dù đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quy đổi gần 30% trong năm 2018, nhưng trong một năm qua thị giá cổ phiếu của FPT còn giảm, hiện chỉ còn 45.500 đồng/đơn vị. 

Giá cổ phiếu thì phụ thuộc vào kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên lãnh đạo FPT cho rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đánh giá về FPT quá thấp. Thực tế, nhà đầu tư tổ chức hiểu về doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài lại "giữ chặt" cổ phiếu FPT, room ngoại không còn. 

Dragon Capital, một cổ đông tổ chức có mặt, gợi ý về việc FPT nên tăng cường các buổi gặp gỡ với nhà đầu tư nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quan hệ nhà đầu tư để cho họ có thể hiểu hơn và đánh giá đúng giá trị của công ty. Ý kiến này được ông Bình đánh giá cao và cho biết sẽ áp dụng luôn.  

Tân TGĐ Nguyễn Văn Khoa: "Tôi không hề áp lực, nhưng biết nhiều thách thức"

Với đội ngũ điều hành thế hệ 7x, cổ đông quan tâm đến việc liệu tân Tổng giám đốc FPT cùng các cộng sự có thể lèo lái tốt công ty trên con đường "chuyển đổi số" công ty. Ông Bùi Quang Ngọc (nguyên TGĐ FPT) tỏ ra tin tưởng vì đây là thế hệ đã làm việc tại FPT nhiều năm, thấm văn hóa công ty. Lứa tuổi 7x cũng nhạy bén hơn trong việc tiếp xúc công nghệ, tiếp xúc cái mới. 

Về phần mình, tân Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa chia sẻ sau đại hội cho biết: "Tôi không hề áp lực, nhưng khó khăn, thách thức thì có thể thấy nhiều. Tôi cũng phải học rất nhiều, từ các công ty nước ngoài về chuyển đổi số".  CEO của FPT toát lên phong thái tự tin và cho biết việc của anh là làm và nỗ lực hết sức mình. 

Cũng từ năm nay, ông Khoa sẽ đưa phương pháp quản trị OKRs (quản trị mục tiêu và kết quả chủ chốt) đã được áp dụng thành công tại nhiều công ty công nghệ nổi tiếng như Intel, Google, Facebook vào áp dụng tại FPT, cho hơn 36.000 nhân viên. 

Ông Trương Gia Bình đánh giá rằng, ở TGĐ có hai đặc điểm ấn tượng: thứ nhất "trùm luân chuyển" do luân chuyển rất nhiều giữa các công ty trong hệ thống; thứ hai "lò kỷ luật". 

Ông Bình tin khi ông Khoa lên làm TGĐ, một số doanh nghiệp con của FPT sẽ  khắc phục được nhiều điểm yếu...

Thách thức tân Tổng giám đốc - chuyển đổi số, hóa rồng FPT  - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông FPT 2019 (Ảnh: BM)

Chiều nay (29/3) CTCP FPT (Mã: FPT) tổ chức đại đồng cổ đông thường niên 2019. Theo tài liệu công bố trước đó, năm nay FPT đặt kế hoạch doanh thu 26.660 tỉ đồng, tăng trưởng 15% và lợi nhuận trước thuế 4.460 tỉ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2018.

Trong đó, doanh thu khối công nghệ dự kiến đạt 15.450 tỉ đồng, tăng trưởng 15,3%; doanh thu viễn thông 9.980 tỉ đồng, tăng trưởng 13% và doanh thu khối giáo dục & đầu tư 1.670 tỉ đồng, tăng trưởng 21,4%.

Về lợi nhuận trước thuế, khối công nghệ đặt kế hoạch tăng trưởng 27,2%, khối viễn thông tăng trưởng 14%; ngược lại khối giáo dục giảm 13%. Lợi nhuận liên kết từ chuỗi phân phối, bán lẻ dự kiến 442 tỉ đồng, tăng 14%.

Trong năm 2019, FPT sẽ tập trung bán dịch vụ cho các khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường và bán các giải pháp công nghệ của FPT; đầu tư trọng điểm vào công nghệ chuyển đổi số; tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Khối viễn thông đẩy mạnh phát triển mảng truyền hình trả tiền, đầu tư trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây… Giáo dục, công ty tập trung phát triển mô hình Mega Education tại Đà Nẵng và Cần Thơ…

Đầu tư gần 4.670 tỉ đồng, chủ yếu cho hạ tầng viễn thông

Về kế hoạch đầu tư, khối viễn thông dự kiến dành 3.004 tỉ đồng chủ yếu đầu tư hạ tầng gồm một tuyến cáp biển, hạ ngầm cáp đường trục tại khu vực miền Trung; đầu tư 1.030 tỉ đồng phát triển công nghệ mới và văn phòng; đầu tư gần 640 tỉ đồng cho các cơ sở giáo dục mới. Tổng mức đầu tư gần 4.670 tỉ đồng.

Trước thềm đại hội, FPT bổ sung tờ trình xin tăng thêm các ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động công nghệ như sản xuất sản phẩm điện tử, linh kiện, máy vi tính, thiết bị truyền thông, lập trình, dịch vụ thông tin...

Cổ tức 2019 dự kiến 20% bằng tiền

Năm 2018, FPT có kế hoạch chi trả cổ tức 20% bằng tiền, trong đó 10% đã thực hiện trong năm 2018; 10% còn lại dự kiến thực hiện trong quý II sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt. Đối với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỉ lệ dự kiến là 10%. Năm 2019, HĐQT FPT tiếp tục đề xuất mức cổ tức tiền mặt 20%.

Trách nhiệm Tân tổng giám đốc

Tại đại hội lần này, FPT cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm đối với Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khoa lên thay thế. Trước đó FPT đã miễn nhiệm ông Đỗ Cao Bảo khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc FPT từ ngày 15/3. 

Ông Khoa sẽ đứng trước trách nhiệm đưa FPT tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận ở mức 15%.

Tân Tổng giám đốc FPT sinh năm 1977, cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân, gia nhập FPT khi chỉ mới 20 tuổi với vai trò nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Năm 2012, ông được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom.

Trong thời gian ông Khoa giữ chức CEO, FPT Telecom đã triển khai thành công tuyến đường trục Bắc – Nam 1.800 km, chuyển đổi toàn bộ hạ tầng cáp đồng sang cáp quang trong một năm; đặt nền móng cho sự phát triển của Truyền hình FPT khi quyết định lựa chọn kinh doanh IPTV (Truyền hình qua Internet) thay cho Truyền hình cáp.

Tháng 3/2018, ông Khoa được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc FPT.

Bạch Mộc

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.