|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thách thức nguy hiểm từ biến chủng của virus gây bệnh COVID-19

09:18 | 21/03/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 bùng phát chết người cho thấy sự nguy hiểm muôn thuở từ các virus dễ biến chủng, đồng thời làm nổi rõ một số vấn đề cấp bách.

Đại dịch COVID-19 là một thảm họa toàn cầu, đe dọa nền kinh tế thế giới và thậm chí cả các kết cấu xã hội cơ bản. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của bệnh dịch này, trong đó có yếu tố tiến hóa tự nhiên của virus và quá trình toàn cầu hóa.

Thách thức nguy hiểm từ biến chủng của virus gây bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

Vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác đều trải qua quá trình tiến hóa. Ảnh minh họa: Praguemorning.

Sự xuất hiện của virus corona chủng mới có thể là kết quả của một quá trình tiến hóa dài lâu của các loại virus.

Các bệnh truyền nhiễm mới chỉ được kiểm soát trong khoảng 100 năm qua. Nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi này là những cải thiện đáng kể về điều kiện vệ sinh trong cuộc sống của con người, rồi đến các nhân tố như kháng sinh, vaccine, và thuốc kháng virus.

Biến chủng tự nhiên

Vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác đều trải qua quá trình tiến hóa. Chúng có thể thích nghi thông qua các sự kiện biến chủng ngẫu nhiên để sinh tồn và phát triển bất chấp sự can thiệp của con người. Quy luật tiến hóa rất mạnh, giúp các sinh vật thích nghi và tồn tại khi môi trường thay đổi. Và biến chủng là một động lực chính của quá trình tiến hóa đó.

Đó là lý do vì sao mà các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đã xuất hiện, thông qua các sự kiện biến chủng ngẫu nhiên trong một môi trường được đặc trưng bởi sự lạm dụng thuốc kháng sinh.

Như các sinh vật, virus liên tục biến chủng.

Thỉnh thoảng sự biến chủng ngẫu nhiên có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm của virus và độc lực của virus. Nhưng độc lực thường không tốt cho bản thân mầm bệnh, vì nếu nó giết chết vật chủ thì virus cũng chết theo. Nếu không có vật chủ thay thế ở xung quanh có thể bị nhiễm bệnh thay trước khi vật chủ hiện tại chết thì quần thể các sinh vật chết người mới biến chủng này sẽ nhanh chóng diệt vong.

Khi các biến chủng tạo ra độc lực lớn này gia tăng ở các khu vực dân cư thưa thớt, tác động từ chúng sẽ bị khoanh vùng và không dễ lây lan. Điều này xảy ra liên tục trên khắp thế giới.

Yếu tố kết nối kinh tế

Các biến chủng mầm bệnh cũng xảy ra ở những khu vực dân cư đông đúc thuộc các nước đang phát triển. Nhưng vì các lý do kinh tế, khu vực này ít kết nối với phần còn lại của thế giới nên bệnh tật có thể dễ dàng được khống chế theo khu vực địa lý.

Chẳng hạn, hồi năm 2014, dịch Ebola ở Tây Phi đã bùng nổ ở các thủ đô đông dân nhưng cuối cùng vẫn được khống chế trong khu vực này và chỉ có ít ngoại lệ.

Nhưng khi châu Phi phát triển về kinh tế và thế giới kết nối lẫn nhau nhiều hơn, thì khả năng xảy ra các đại dịch càng lớn hơn.

Khí hậu đóng vai trò quan trọng ở nhiều nước nhiệt đới, mà tại đó vector truyền bệnh thường là côn trùng. Tuy nhiên các bệnh truyền nhiễm ở các nước nhiệt đới thường ít lan tới các vùng khí hậu lạnh hơn. Chẳng hạn, virus Zika bùng phát nhanh chóng ở các nước Mỹ Latin vào các năm 2015-2016 nhưng đã bị giới hạn vào phạm vi của vector muỗi.

Yếu tố Trung Quốc trong đợt dịch COVID-19 lần này

Trong vài năm gần đây chúng ta đã thấy nhiều vi sinh vật gây bệnh, có nhiều trường hợp được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc.

Trung Quốc có khí hậu và vị trí địa lý khá giống với Tây Âu và nước Mỹ, và do vậy các loại vi sinh vật biến chủng xuất hiện ở Trung Quốc có tiềm năng lớn gây tác hại tiêu cực đến các nước phương Tây.

Đã vậy, Trung Quốc hiện đã kết nối mạnh với thế giới. Việc đi lại đã dễ dàng hơn nhiều, khiến virus xuất hiện ở Trung Quốc có thể lan nhanh tới nơi khác.

Ngoài ra dân số Trung Quốc cực lớn, tương đương với dân số của châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Dân số Trung Quốc cũng có mật độ cao gấp 4 lần mức của châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc có những thành phố siêu lớn mà đến thành phố New York của Mỹ cũng không so lại được. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng khởi phát ở Vũ Hán – một thành phố hơn 10 triệu dân của Trung Quốc.

Vậy phải làm gì?

Nói chung là việc xuất hiện các mầm bệnh mới là điều khó tránh. Để đối phó với nó, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu một cách thiết thực, tránh lãng phí không cần thiết.

Dịch bệnh COVID-19 vừa qua cũng đã làm nổi rõ những nhiệm vụ chính yếu như quản lý bệnh tật và quản lý khủng hoảng. Phương Tây và Trung Quốc có lẽ cần hợp tác với nhau nhiều hơn thay vì đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân làm COVID-19 bùng phát trên toàn cầu./.

Trung Hiếu