Tẩy chay đồ nhựa dùng một lần: Từ phương án nửa vời của Starbucks đến nguy cơ lợi bất cập hại
Một video làm thay đổi cả thế giới
Trong mấy năm gần đây, phong trào tẩy chay đồ nhựa, đặc biệt là ống hút, đột ngột lan rộng một cách mạnh mẽ. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ một video đăng tải lên YouTube vào tháng 8/2015 trong đó một chú rùa biển bị ống hút nhựa mắc trong lỗ mũi.
Trong quá trình những người cứu hộ cố gắng lấy chiếc ống hút ra, con rùa không ngừng giãy giụa với vẻ rất đau đớn, máu chảy ra từ lỗ mũi. Video này sau đó đã "gây bão" cộng đồng mạng và phong trào phản đối đồ nhựa – đặc biệt là ống hút – lên cao từ đây.
Một chú rùa bị ống hút mắc trong lỗ mũi. Ảnh chụp màn hình.
Tháng 8/2018, Starbucks tuyên bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa tại hơn 28.000 cửa hàng trong toàn hệ thống bán đồ ăn nhanh của mình vào năm 2020. Hiện nay, mỗi năm Starbucks vẫn sử dụng khoảng 1 tỉ ống hút nhựa.
Các khách hàng trong tương lai sẽ nhận được các hộp có nắp nhựa được thiết kế để có thể uống mà không cần ống hút, hoặc sẽ dùng các ống hút không bằng nhựa. Kế hoạch này của Starbucks nhận được nhiều phản ứng trái chiều.
Ông M Sanjayan, CEO của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế thì hoan nghênh Starbucks, coi đây là "hành động có ý nghĩa để bảo vệ đại dương của chúng ta".
Nhưng một số người lại nghi ngờ ý nghĩa của việc thay ống hút nhựa bằng một nắp nhựa. Liệu số lượng nhựa sử dụng có giảm đi?
Tại Việt Nam thời gian gần đây, một số chuỗi cửa hàng bán đồ uống đã sử dụng ống hút từ tre để thay thế cho ống hút nhựa và được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng.
Có nên cấm cả chai nhựa? Lấy gì thay thế?
Năm 2013, Đại học Vermont (Mỹ) cấm bán nước lọc đóng chai nhựa trong khuôn viên trường. Kì vọng của trường với chính sách này là rất lớn. Các chai nhựa có thể tái sử dụng được bán cho sinh viên với giá 2 USD một chiếc. Trường cũng lắp đặt lại 68 vòi nước công cộng để thuận tiện cho việc lấy nước vào chai.
Trường còn tổ chức một chương trình đào tạo để quán triệt chính sách này tới sinh viên. Các cuộc thử nghiệm mùi vị cũng được thực hiện và những sinh viên tham gia không thể nào phân biệt được đâu là nước đóng chai, đâu là nước lấy từ vòi công cộng.
Một sinh viên Đại học Vermont đang lấy nước uống từ vòi sau lệnh cấm mua nước lọc đóng chai. Ảnh: wbur.org.
Giáo sư Rachel Johnson của Đại học Vermont đã "tiện tay" thực hiện một nghiên cứu để đánh giá tác động của việc cấm nước lọc đóng chai nhựa trong khuôn viên trường. Kết quả thu được khá bất ngờ: Các sinh viên chuyển sang uống các loại nước đóng chai nhựa khác như soda, nước ngọt, nước ép hoa quả, ...
Chưa kể, số lượng chai nhựa mà một sinh viên sử dụng tăng từ 24 chai/học kì trước khi có chính sách cấm, lên 26 chai/học kì sau khi cấm. Như vậy, mục đích giảm số lượng chai nhựa đã không đạt được.
Trường có thể đưa học sinh đến gần vòi nước, nhưng không thể bắt học sinh uống.
Vậy nếu chúng ta không chỉ cấm nước lọc đóng chai nhựa mà cấm tất cả các loại chai nhựa thì sao? Lúc này sẽ không có chuyện người tiêu dùng chuyển từ loại chai nước uống này sang chai nước uống khác.
Tuy nhiên nếu loại bỏ hoàn toàn nhựa thì chai đựng đồ uống sẽ được làm từ vật liệu gì?
Chai nước làm bằng nhựa PET (polyethylene terephthalate) có rất nhiều ưu điểm mà không dễ gì tìm được vật liệu thay thế.
Chai nhựa trong suốt, chịu được áp suất, trọng lượng nhẹ, dễ làm khuôn tạo hình theo ý muốn, cản khí từ trong chai thoát ra ngoài, không bị vỡ, khó biến dạng, không làm thay đổi mùi vị thức uống, … Chai nhựa cũng có thể được tái chế, khác với các loại đồ nhựa dùng một lần.
Giáo sư David Buckland của Đại học Heriot-Watt đã chủ trì một nghiên cứu và đi đến kết luận: "Cấm hoặc giảm đáng kể sử dụng đồ nhựa sẽ gây ra những tác động khổng lồ đến cuộc sống con người. Chẳng hạn, thay nhựa bằng thủy tinh hay kim loại sẽ làm tăng giá thành nhiều loại hàng hóa. Việc sản xuất thủy tinh và kim loại đòi hỏi rất nhiều điện và các loại năng lượng, tài nguyên khác – trong đó có nước".
"Chưa kể, nhựa rất nhẹ, chỉ bằng khoảng 1/10 thủy tinh, nên số lượng phương tiện vận chuyển cần cũng ít hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn và do vậy làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Trong khi ống hút nhựa có thể được thay thế bằng ống hút tre thì chai nhựa dường như chưa có phương án thay thế hợp lí.
Chai nhựa (bên trái) có trọng lượng 27,5 g và thể tích 500 ml, trong khi chai thủy tinh (bên phải) có trọng lượng 310 g và thể tích 330 ml. Ảnh: E-Proplast.eu.
Chiếc cốc giấy tráng nhựa của Starbucks
Ngay cả Starbucks cũng chật vật với bài toán thay thế chiếc cốc giấy của mình trong 30 năm qua mà vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Riêng năm 2017, Starbucks sử dụng tới 3,85 tỉ cốc giấy.
Chiếc cốc của Starbucks có thân được làm bằng giấy, có một lớp bìa carton ở giữa để khách hàng có thể cầm các đồ uống nóng mà không bị bỏng, và lớp trong cùng của chiếc cốc này được tráng một lớp nhựa mỏng – nếu không thì giấy làm sao chịu nổi nước?
Cấu trúc một chiếc cốc của Starbucks. Đồ họa: CNN.
Lớp nhựa mỏng này cũng rất khó phân hủy giống như các loại vật liệu nhựa khác, nhưng tệ hơn, nó lại dễ phân rã thành các hạt vi nhựa siêu nhỏ (microplastics). Các hạt này dễ tan vào môi trường nước, dễ bị các loại động vật ăn/uống phải, rồi con người lại ăn thịt các loại động vật này và nhiễm hạt vi nhựa vào cơ thể.
Tháng 3 vừa qua, Starbucks thử nghiệm loại cốc được tráng bằng một loại vật liệu mới có thể phân hủy được. Tuy nhiên để lớp tráng mỏng này phân hủy, chiếc cốc phải được đưa vào các nhà máy phân trộn (composting), và số lượng các nhà máy này hiện vẫn còn rất ít ỏi.
May mắn cho Starbucks, chưa có video nào thể hiện một con rùa gặp nạn vì cốc giấy tráng nhựa mỏng được phát tán rộng rãi, khách hàng vẫn chưa giận dữ tới mức "nổi đóa" lên, và do vậy Starbucks vẫn còn thời gian để tìm kiếm phương án thay thế cho chiếc cốc tráng nhựa của mình.
"Vấn đề không phải là nhựa, mà là chúng ta sử dụng nhựa thế nào"
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/Getty Image.
Đầu tháng 6 này, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo Canada sẽ cấm một số vật dụng làm từ nhựa dùng một lần sớm nhất vào năm 2020.
Ông Trudeau chưa nêu rõ những sản phẩm nào sẽ bị cấm. Chính phủ của ông sẽ nghiên cứu sản phẩm nào là độc hại nhất và đưa ra các bằng chứng khoa học để hướng dẫn việc thực thi các tiêu chuẩn mới.
Thống kê cho thấy 1/3 sản phẩm nhựa sử dụng ở Canada chỉ được dùng một lần. Người Canada sử dụng tới 15 tỉ túi nilon mỗi năm và 57 triệu ống hút mỗi ngày.
Bang Vermont của nước Mỹ cũng vừa thông qua một dự luật cấm toàn diện các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đã có nhiều bang tại Mỹ như California và New York cấm sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng lệnh cấm của Vermont tỏ ra toàn diện hơn hết khi cao gồm cả túi đựng đồ khi mua sắm, ống hút, que khấy cốc và vỏ hộp thức ăn.
Dự kiến luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020. Khi đó, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng sẽ không được phép cung cấp các loại đồ nhựa dùng một lần kể trên. Riêng những người có vấn đề về sức khỏe cần có ống hút để ăn, uống vẫn sẽ được cung cấp như thường.
Nhiều ứng cử viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ - trong đó phải kể đến Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từ bang Vermont - cũng đã lớn tiếng đề xuất cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trong khi đó năm 2018, Liên Hợp Quốc đã công bố bản Lộ trình bền vững nhằm thúc đẩy các hành động toàn cầu về nhựa sử dụng một lần.
Ông Erik Solheim, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) nói trong bản lộ trình: "Vấn đề không phải là nhựa mà là chúng ta làm gì với nhựa. Điều này có nghĩa là con người phải có trách nhiệm trong việc sử dụng thứ vật liệu thần kì này một cách thông minh, đúng đắn hơn".