|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tập đoàn Nhật Bản trúng thầu hợp đồng cung cấp vệ tinh trị giá 190 triệu USD cho Việt Nam

11:50 | 26/04/2020
Chia sẻ
Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn điện tử Nhật Bản NEC đã giành được hợp đồng trị giá 20 tỉ yen để cung cấp một vệ tinh radar cho Việt Nam. Thành công này nêu bật lên lợi thế của các tay chơi truyền thống trước các startup mới nổi trong thời kì khủng hoảng kinh tế.
Tập đoàn Nhật Bản trúng thầu hợp đồng cung cấp vệ tinh trị giá 190 triệu USD cho Việt Nam - Ảnh 1.

Theo Nikkei, vệ tinh radar của NEC dự kiến sẽ bay vào quĩ đạo vào năm 2023 nhằm hỗ trợ Việt Nam theo dõi tình hình biến đổi khí hậu và quản trị thiên tai. (Ảnh: NEC)

Thỏa thuận trị giá 20 tỉ yen (tương đương 190 triệu USD) này dự kiến sẽ sớm được công bố, đánh dấu lần đầu tiên một công ty Nhật Bản xuất khẩu vệ tinh quan sát ra nước ngoài.

Nikkei Asian Review dẫn lời đại diện NEC cho hay, thỏa thuận sẽ bao gồm chi phí phóng, thiết bị mặt đất cũng như đào tạo kĩ sư và nhân viên vận hành vệ tinh tại Việt Nam.

Theo vị đại diện của phía NEC, trạm mặt đất sẽ được xây dựng tại khu công nghệ cao Hòa Lạc tại thủ đô Hà Nội. Toàn bộ dự án ước tính trị giá khoảng 50 tỉ yen (tương đương 470 triệu USD) và được hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn ODA thông qua các khoản vay lãi suất thấp.

Vệ tinh dự kiến sẽ được gửi lên quĩ đạo vào năm 2023 trên một tên lửa Epsilon do IHI Aerospace chế tạo. Kế hoạch phóng vệ tinh có thể bị hoãn lại nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, khiến đội ngũ kĩ sư Việt Nam và Nhật Bản phải hạn chế di chuyển và khó đẩy nhanh tiến độ, đại diện NEC cảnh báo.

Trong bối cảnh ngân sách cho lĩnh vực hàng không vũ trụ của Nhật Bản dự kiến không tăng đáng kể, NEC đang tìm kiếm đối tác ở nước ngoài để mở rộng doanh thu. Việt Nam, một đối tác chiến lược của Nhật Bản và là đối trọng chính của Trung Quốc, được xem là điểm đến lí tưởng cho công ty có trụ sở tại Tokyo này.

Việt Nam đang mong muốn Tokyo giúp phát triển năng lực phát triển và vận hành vệ tinh riêng. Hãng Mitsubishi Electric của Nhật Bản đã xuất khẩu một số vệ tinh viễn thông sang Singapore, Đài Loan, Qatar và Thổ Nhĩ Kì trong quá khứ.

Vệ tinh radar dự kiến vận chuyển đến Việt Nam là loại tương đối nhỏ, nặng khoảng 570 kg. Vệ tinh này sẽ bay theo quĩ đạo tầm thấp, cách trái đất 500 km và theo dõi tác động của biến đổi khí hậu nhằm giúp Việt Nam quản trị thiên tai.

Nikkei nhận định thỏa thuận cũng có thể đánh dấu sự hồi sinh của các công ty lâu đời như NEC, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông, đồng thời là nhà thầu quốc phòng có 120 năm kinh nghiệm.

Cho đến gần đây, các nhà thầu truyền thống thường chậm chân và bị đe dọa bởi các công ty khởi nghiệp năng động khi mà khu vực tư nhân được tin là sẽ giành hết các hợp đồng phóng vệ tinh từ những cơ quan chính phủ như NASA.

Tuy nhiên, vụ phá sản trị giá hàng tỉ USD của OneWed, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian do SoftBank Group hậu thuẫn và sở hữu 37% vốn, vào ngày 27/3 cùng sự hỗn loạn do đại dịch COVID-19 gây ra đã góp phần nhắc nhở doanh nghiệp những rủi ro khi hợp tác với các công ty còn non trẻ và chưa chứng minh được thực lực.

Theo Nikkei, OneWeb đã đốt không ít tiền mặt để xây dựng một dải vệ tinh cho dịch vụ băng thông rộng toàn cầu, khiến nhiều nhà cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ phải ôm nợ.

"Chúng tôi bây giờ thích các dự án do chính phủ hoặc cơ quan chính phủ hậu thuận hơn", Giám đốc Kentaro Sakagami của NEC nói.

Mảng kinh doanh vũ trụ chiếm khoảng 2% trong khối doanh thu 3.000 tỉ yen của NEC và công ty Nhật Bản không kì vọng doanh số vệ tinh sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.

"Vũ trụ chỉ là một thị trường tương đối nhỏ", đại diện NEC nói. "Vấn đề quan trọng là làm cách nào chúng tôi tận dụng lĩnh vực đó để phụ trợ các mảng kinh doanh khác".

Khả Nhân