Tăng trưởng tín dụng 2018 đang tạo hiện tượng
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng từ đầu năm | |
Bản tin tài chính ngày 31/8: Lợi nhuận HSBC Việt Nam cao kỷ lục; kịch bản tăng trưởng tín dụng 2018 |
Tăng trưởng tín dụng và thực thi mở rộng tín dụng năm nay cho thấy có tính độc lập cao hơn trong điều hành và triển khai của chính sách tiền tệ - Ảnh: Quang Phúc. |
Do thời điểm thống kê, mức độ tăng trưởng tín dụng hàng tháng có thể thay đổi qua từng ngày. Nhưng dù chốt ngày nào, tăng trưởng tín dụng ước tính 10 tháng đầu năm nay vẫn ở mức thấp nhất trong bốn năm trở lại đây (từ 2015).
Với mức độ thực hiện quanh 10,5% sau 10 tháng, phần còn lại theo chỉ tiêu khoảng 17% cả năm mà Ngân hàng Nhà nước dự tính đầu năm (có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế) là rất lớn và chỉ còn lại hai tháng.
Có hai tình huống đặt ra: một là, với phần còn lại rất lớn theo chỉ tiêu ban đầu đó, hai tháng 11 và 12 tín dụng sẽ được đẩy mạnh; hai là, nền kinh tế trở lại với nhịp độ tín dụng tăng trưởng thấp như giai đoạn 2013 - 2014.
Còn ở định hướng điều hành, tăng trưởng tín dụng thấp có liên quan đến định hướng mới của Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ giữa năm: không nới chỉ tiêu đã giao cho các tổ chức tín dụng như những năm trước, ngoại trừ một số trường hợp.
Chủ trương đó cùng thực tế các tháng trong quý 2 và 3 vừa qua đã định hình dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay nhiều khả năng ở mức thấp.
Trong những năm gần đây, kể từ sau ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, rồi đến giai đoạn hậu khủng hoảng 2010 - 2012, thì giai đoạn tăng trưởng tín dụng thấp gần đây nhất là vào năm 2013 và 2014.
Giai đoạn 2013 và 2014, Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 12 - 14%. Năm 2018 này, với tiến độ đang thực hiện, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trở lại vùng thấp này, nhưng các tương quan và so sánh lại khác biệt, và điều này tạo nên hiện tượng.
Năm 2013 và 2014, tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trưởng GDP cũng ở mức thấp (lần lượt 5,42% và 5,98%). Còn năm 2018, dù tín dụng dự kiến tăng trưởng thấp, GDP lại có triển vọng đạt mức cao, dự kiến vượt mục tiêu 6,7%.
Trước đây, trong điều hành chính sách vĩ mô, vẫn có quan điểm cân đối mức độ tăng trưởng GDP với tăng trưởng tín dụng, qua đó để có thêm một đánh giá về hiệu quả tín dụng trong nền kinh tế. Ví dụ, trước đây có giai đoạn 1% tăng trưởng GDP ứng (hoặc từng được diễn giải là "cần tới") 4-5% tăng trưởng tín dụng.
Nếu theo quan điểm cân đối trên, năm nay, mức độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tăng trưởng GDP lại đạt cao. Từ đây có thêm gợi ý đánh giá về chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn vay hay sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế…
Tín dụng 2018 cũng đang tạo hiện tượng ở khía cạnh: giai đoạn có mức tăng trưởng tín dụng dự kiến gần với năm nay là 2013 và 2014, sức khỏe của hệ thống ngân hàng bất ổn, áp lực tái cơ cấu đè nặng và nợ xấu nổi lên nóng bỏng; thì nay, sức khỏe hệ thống đã cải thiện lên nhiều.
Nói cách khác, với tình hình sức khỏe cải thiện hơn nhiều, nhưng hệ thống tín dụng hiện chỉ tạo mức độ tăng trưởng tín dụng thấp như giai đoạn khó khăn 2013 - 2014. Điều này phản ánh mức độ kiểm soát chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như gắn với mẫu số tổng dư nợ và các cân đối an toàn, kể cả mức độ đòn bẩy so với GDP đến nay đã khác.
Và tín dụng 2018 cũng đang tạo hiện tượng với chính các ngân hàng thương mại. Với mức tăng trưởng cho vay thấp hơn, phần lớn các ngân hàng thương mại lại đang tạo được mức độ tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn nhiều so với những năm có tín dụng tăng trưởng cao trước đây.
Điều này phản ánh chất lượng hoạt động của các ngân hàng nói chung đã cải thiện, cũng như gánh nặng nợ xấu đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, phản ánh xu hướng gia tăng đóng góp các nguồn thu ngoài tín dụng, xu hướng dịch chuyển cơ cấu tài sản sang các phân khúc sinh lời cao hơn…
Còn ở cân đối vĩ mô, tăng trưởng tín dụng 2018 cũng đang tạo "hiện tượng" khi không còn thấy sự sốt ruột, yêu cầu thúc đẩy trong các phân tích, chỉ đạo điều hành nói chung… để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP như từng thấy tại nhiều thời điểm những năm gần đây.
Nói cách khác, tăng trưởng tín dụng và thực thi mở rộng tín dụng năm nay cho thấy có tính độc lập cao hơn trong điều hành và triển khai của chính sách tiền tệ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/