Tăng trưởng kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy giảm trong năm 2019
Brexit không thỏa thuận có thể cản trở đầu tư vào Eurozone. Ảnh: TTXVN phát
Kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2019, với nhiều rủi ro và tranh chấp thương mại tiếp tục gia tăng. Khác hẳn với 6 tháng đầu năm 2018, khi tăng trưởng kinh tế được ghi nhận ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thì trong 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng kinh tế vĩ mô ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, sự gián đoạn của ngành sản xuất ô tô ở Đức, các biện pháp thắt chặt chính sách tín dụng ở Trung Quốc hay việc thắt chặt điều kiện tài chính, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), làn sóng xung đột ở Lybia, cùng với tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển nhất đã làm thu hẹp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong nửa cuối năm 2018.
Đối với Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định nội địa cần thiết nhằm hạn chế các khoản nợ, hạn chế trung gian tài chính và đưa tăng trưởng trở nên bền vững. Điều này đang làm chậm lại hoạt động đầu tư trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng cũng sụt giảm, trong khi số đơn hàng xuất khẩu cũng sa sút khi các biện pháp hải quan của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm từ 6,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 6,0% trong nửa cuối năm này, và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2019. Sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các nước đối tác ở châu Á và châu Âu.
Kinh tế Nhật Bản được đánh giá đạt mức tăng trưởng mạnh so với các nước trong khu vực, nhờ sự gia tăng các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và đầu tư công. Riêng trong quý I/2019, kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng khoảng 2,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý IV/2018. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản đều đi xuống trước những biến động của thị trường thế giới.
Ở các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế cũng chậm hơn dự báo do hàng loạt yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở tất cả các quốc gia, như sự suy giảm niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc chậm trễ đưa ra các tiêu chuẩn khí thải mới cho các dòng xe diesel ở Đức, sự không chắc chắn xung quanh các chính sách tài khóa, chênh lệch lãi suất cao và sự sụt giảm đầu tư ở Italy cùng các sự kiện làm gián đoạn doanh số bán lẻ và ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng ở Pháp.
Ngoài ra, mối lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ Brexit không thỏa thuận cũng có thể cản trở đầu tư vào Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đối với Mỹ, mặc dù kinh tế nước này vẫn tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng khởi sắc hơn, song hoạt động đầu tư đã giảm đáng kể từ cuối năm 2018. Đầu từ trong ngành chế tạo đang có dấu hiệu giảm tốc sau khi ghi nhận mức tăng khởi sắc trong quý I/2019.
Đa số doanh nghiệp trong nước tìm cách tiêu thụ hàng tồn kho, kéo theo hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ tiếp tục đà suy giảm trước các biện pháp trả đũa của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang trên đà đi xuống, từ mức tăng 3,2% trong quý I/2019 xuống còn 2,5% trong quý II/2019.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc trong năm 2019 và có nguy cơ kéo đà tăng trưởng của khoảng 70% nền kinh tế thế giới chậm lại. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ gần 4% năm 2017 xuống còn 3,6% năm 2018 và dự kiến sẽ sụt nữa xuống còn 3,3% hoặc thậm chí 2,9% trong năm 2019.
Kinh tế Mỹ được dự báo tăng khoảng 2,4% trong năm nay, song tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vấn đề nợ công và nợ doanh nghiệp. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo chỉ đạt mức tăng khoảng 6,2% năm 2019.
Tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2019 được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn mức dự báo đầu năm là 1,5%, do tác động từ các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như các vấn đề nội khối như nguy cơ Brexit không thỏa thuận hay nợ công của Italy.
Kinh tế châu Á trong năm 2019 cũng sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2018, ước đạt mức tăng trung bình khoảng 5,7% và có thể thấp hơn vào năm 2020. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn là một trong những nguyên nhân chính kiềm hãm đà tăng trưởng của kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nam Á được dự báo là khu vực duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, ước đạt 6,8%. Nhật Bản vẫn là nước duy trì được đà tăng trưởng kinh tế ổn định, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự suy giảm xuất khẩu và chính sách tăng thuế tiêu thụ từ 8-10% dự kiến được thực thi từ tháng 10/2019.