Tăng năng lực ứng phó phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Việt
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Nếu giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc khoảng 22 vụ thì nay đã tăng lên mức 208 vụ việc. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một số nước cáo buộc hàng hóa từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính như: thép, nhôm thậm chí là tôm được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Lê Triệu Dũng, đây là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ Chính phủ. Hoặc, trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.
Vì thế, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa, nếu hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Để tránh thiệt hại từ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, ông Lê Triệu Dũng cho rằng ngoài sự tích cực của cơ quan quản lý, sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp sẽ mang tính quyết định.
Thời gian qua, nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng chia sẻ, Cục Phòng vệ thương mại luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc.
Bên cạnh đó, Cục đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ.
Hiện tại, Cục Phòng vệ thương mại đang tích cực triển khai hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau để doanh nghiệp quan tâm, theo dõi.
Nhằm tránh các rủi ro về kiện phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng chỉ rõ: Trước bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần cải thiện năng lực ứng phó, phải hiểu biết chắc chắn về phòng vệ thương mại.
Chẳng hạn như trước khi vụ việc xảy ra, doanh nghiệp phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định phòng vệ thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi; dự trù thuê luật sư khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.
Ông Lê Triệu Dũng cũng lưu ý, khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài; tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.
Đặc biệt, trong quá trình trả lời câu hỏi điều tra, doanh nghiệp cần thông tin về cơ cấu, tổ chức của mình cũng như thông tin về các chủng loại sản phẩm sản xuất; dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, bán hàng trong nước với sản phẩm bị điều tra, chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý…
Đối với trường hợp bị kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực vì cơ quan điều tra có thể thẩm tra tại chỗ để xác minh.
Hơn nữa, cơ quan điều tra có thể yêu cầu trả lời các bản câu hỏi bổ sung, vì thế doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi thông tin từ phía cơ quan điều tra cũng như chú ý tới ngôn ngữ sử dụng, các yêu cầu về hình thức, phương thức nộp bản trả lời để tránh những thiệt hại đáng tiếc.