Tăng cường xuất khẩu dầu, 'âm mưu' của Mỹ cướp thị phần của OPEC
Ảnh: Reuters |
Tuần trước, Mỹ tiếp tục tăng cường xuất khẩu hơn 1 triệu thùng/ngày, gấp đôi so với lượng dầu xuất khẩu năm 2016. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm nay Mỹ đẩy mạnh lượng dầu xuất khẩu lên quá 1 triệu thùng/ngày.
Theo chuyên gia John Kilduff nhận định việc tăng cường xuất khẩu phần nào sẽ hỗ trợ giá dầu Mỹ trong thời gian ngắn hạn, đặc biệt nếu việc này vẫn tiếp tục duy trì. Nhưng rõ rằng đây lại là thách thức đối với thị trường toàn cầu và là mối đe dọa đối với nỗ lực của OPEC trong việc cắt giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu lên cao.
Bên cạnh xuất khẩu dầu thô, Mỹ còn tăng cường xuất khẩu nhiên liệu vào tuần trước - mảng kinh doanh đang phát triển bền vững của quốc gia này. Trung bình, Mỹ xuất khẩu khoảng 1,1 triệu thùng dầu diesel/ngày. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu xăng thời gian gần đây giảm tới 400.000 thùng/ngày so với năm ngoái xuống còn 608.000 thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Mỹ tăng cường xuất khẩu dầu thể hiện tham vọng muốn chiếm thị phần của OPEC trong bối cảnh tổ chức này cùng với một số quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn khác trong đó có Nga đang thực hiện nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Không dừng lại ở đó, OPEC hiện tại còn đang xem xét thêm có nên kéo dài cắt thời hạn của thỏa thuận cắt giảm.
Tháng Mười Hai năm ngoái, một số nước thành viên OPEC và ngoài OPEC đã ký hiệp định cắt giảm sản lượng nhằm khắc phục tình trạng dầu thừa trên thị trường. Trong đó, OPEC đăng ký cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và khoảng 600.000 thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC. Đây là một bước tiến quan trọng kể từ đợt khủng hoảng năm 2014 gây ra bởi cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi về tính hiệu quả của cam kết này khi đặt câu hỏi "Liệu rằng tăng cường cắt giảm sản lượng có phải chiến lược khôn ngoan?"
Theo giới phân tích thuộc Goldman Sachs nhận định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu thế giới OPEC cắt giảm sản lượng khai thác được coi là bước đi thông minh, tuy nhiên động thái này lại có một một số tác động không thể lường trước được.
Bà Michele Della Vigna cho biết việc trữ lượng dầu tăng đã đẩy mức chênh lệch giữa giá dầu Brent kỳ hạn 2 năm cao hơn tới 5,5 USD/thùng (tương đương 11%) so với giá dầu giao ngay.
Điều này kích thích các công ty khai thác và xuất khẩu Mỹ tăng cường các hợp đồng kỳ hạn với hơn 50% sản lượng khai thác được bán ra trong khi OPEC lại tập trung vào các hợp đồng giao ngay. Động thái trên đã tạo lợi thế cạnh tranh cho Mỹ.
Chỉ một tháng sau tuyên bố của OPEC về việc cắt giảm sản lượng, mức chênh lệch giữa giá dầu kỳ hạn và giá giá dầu giao ngay giảm xuống chỉ còn 1,1 USD. Nói cách khác, cam kết cắt giảm của OPEC đã phát huy tác dụng như mong muốn khi đẩy giá dầu lên cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu năng lượng với lợi tức cao để hỗ trợ các nhà khai thác, xuất khẩu dầu khí Mỹ.
Thế nhưng, theo Neil Shearing, chuyên gia về các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định thỏa thuận cắt giảm của OPEC lại nảy sinh một số tác động không muốn khi tăng trưởng GDP của các nước vùng Vịnh năm 2017 bị chững lại, giảm xuống còn 1,5%, mức thấp nhất trong 8 năm.
Còn về phía Mỹ, quốc gia này đang nhận thấy dấu hiệu của tái cân bằng dầu ở thị trường trong nước khi đẩy mạnh xuất khẩu trong lúc các nhà máy lọc dầu trong trong quá trình bảo dưỡng. Cùng lúc đó, chuyên gia Andrew Lipow nhận định việc nhu cầu dầu diesel và xăng đang tăng mạnh còn giúp kiểm soát trữ lượng dầu trong nước.
Theo số liệu thống kê hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng cho thấy kho dự trữ xăng của nước này giảm 3,7 triệu thùng vào tuần trước. Cùng lúc đó trữ lượng dầu diesel giảm 2,5 triệu thùng, mức giảm gấp đôi so với dự báo trước đó. Trữ lượng dầu thô cũng chỉ tăng 867.000 thùng tuần trước, bằng một nửa so với nhiều người kỳ vọng.
Hệ quả của hàng loạt các động thái giảm trữ lượng trên là giá dầu WTI tăng mạnh cuối phiên giao dịch ngày hôm qua (29/3). Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Tư (29/3), giá dầu WTI kỳ hạn tăng 1,14 USD tương đương 2,4% lên mức 49,51 USD/thùng. Giá xăng Mỹ kỳ hạn cũng tăng 2% đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng tín hiệu tích cực đang ngày một rõ hơn khi lượng dầu thừa từ tháng Hai bắt đầu giảm xuống trong khi nhu cầu của thị trường trong tháng Tư có thể tăng mạnh.
Kèm theo đó, cuối tuần trước, bộ trưởng dầu khí của các nước đã họp lại ở Kuwait để xem xét quyết định có nên kéo dài cam kết cắt giảm qua tháng sau hay không.
Như vậy niềm tin của các nhà đầu tư về thị trường dầu càng được củng cố. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng chưa nên vội mừng mà nên tiếp tục theo dõi dữ liệu trữ lượng dầu từ Mỹ.