|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng cường tiêu thụ nông thủy sản tại Ấn Độ trong bối cảnh khó khăn do dịch corona

11:36 | 13/02/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp và Hiệp hội liên quan của Ấn Độ hỗ trợ tiêu thụ các loại nông thủy sản của nông dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có nhiều buổi làm việc song phương với các cơ quan, Hiệp hội liên quan để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho nông thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc.‬‬

Cụ thể tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ chiều ngày ‪12/2, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá basa.

Hiện thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ. Và trong các loại thủy sản, đến nay, mới chỉ có cá basa là có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Theo Thứ trưởng các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại Trung Quốc bùng phát, việc tiêu thụ các mặt hàng này của Việt Nam đang gặp khó khăn.‬‬

Do đó, ông Hưng đề nghị Hiệp hội hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá ba sa nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Tăng cường tiêu thụ nông thủy sản tại Ấn Độ trong bối cảnh khó khăn do dịch corona  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có nhiều buổi làm việc song phương với các cơ quan, Hiệp hội của Ấn Độ trong ngày 12/2. Anhr: Bộ Công Thương.

Đối với lĩnh vực dệt may, da giày, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định Việt Nam cũng là nước có ngành công nghiệp dệt may tương đối phát triển với kim ngạch xuất khẩu ra thế giới đạt 32,7 tỉ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế và tạm dừng hoạt động nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may. 

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị phía Ấn Độ xem xét hỗ trợ giải quyết khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam.

Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết Ấn Độ với thị trường rộng lớn, sức mua lớn là cơ hội tốt để phát triển và mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đặc biệt là trái thanh tong, cá tra và cá basa. 

Theo ông Atul để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thanh long mạnh mẽ hơn nữa Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét thực hiện 3 việc là đặt mục tiêu cụ thể cho từng mặt hàng trong từng thời điểm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ và cuối cùng là xem xét mở kho lưu trữ, bảo quản tại một số vùng tại Ấn Độ. 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao các đề xuất của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ và cho biết sẽ nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, để thúc đẩy thương mại song phương cũng như vì lợi ích người tiêu dùng Ấn Độ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đã đề nghị Hiệp hội các nhà nhập khẩu Ấn Độ có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ để chấm dứt các biện pháp hạn chế thương mại như đã áp dụng đối với hạt tiêu, điều và hương nhang của Việt Nam.

Đồng thời không sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai để không làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp và kim ngạch thương mại giữa hai nước, hướng tới đat mục tiêu kim ngạch 15 tỉ USD trong thời gian sớm nhất.

Tăng cường tiêu thụ nông thủy sản tại Ấn Độ trong bối cảnh khó khăn do dịch corona  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thăm chuỗi cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Mother Dairy. Ảnh: Bộ Công Thương.

Cũng vào chiều ngày ‪12/2, tại buổi Tọa đàm với Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (TPCI) và một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ như Retail Consultant, Lots Wholesale, Om Shree Shubh Labh, Reliance Retail và Mother Dairy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá ba sa.‬‬

Ông Mohit Singla, Chủ tịch TPCI cho biết, trái thanh long của Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước khác. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ chưa biết đến trái thanh long Việt Nam nhiều. 

Ông khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ biết đến và tiêu dùng quả Thanh Long.

Bên cạnh đó, vải Việt Nam cũng là một loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt. Tuy nhiên, vải chưa được mở cửa thị trường vào Ấn Độ. Ông Mohit Singla đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm đề nghị và triển khai thủ tục xin phép mở cửa thị trường cho trái vải vào Ấn Độ.

Ông Aditya Moda, quản lí mua hàng cao cấp của Công ty Trái cây và rau quả Mother Dairy cho biết, với hệ thống hơn 400 cửa hàng bán lẻ tại Thủ đô New Delhi và khả năng tiêu thụ 5000 tấn trái cây/tháng, công ty có nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây chất lượng cao từ nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Mohit Singal tại Ấn Độ hàng năm có khoảng 40-50 hội chợ lớn nhỏ trong ngành nông sản, thực phẩm và đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Trong đó Indus Foods là một trong những hội chợ lớn và uy tín bậc nhất trong lĩnh vực này, được coi là đại siêu thị của khu vực. 

Trong ‪2 năm qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tích cực tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ này để tìm kiếm đối tác khách hàng. Ông Mohit Singla mong muốn Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục ủng hộ và tham gia các sự kiện này trong thời gian tới.‬‬

Như Huỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.