|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản: Đừng để người tiêu dùng nghĩ nông sản giải cứu thì giá trị không cao

17:07 | 12/02/2020
Chia sẻ
Nhiều hệ thống bán lẻ cho biết sẵn sàng giải cứu nông sản hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu bền vững là giải pháp lâu dài cần được đặt lên hàng đầu.

Tại buổi kết nối các doanh nghiệp phân khối lớn với các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Thanh Hóa... diễn ra ngày 11/2, đại diện nhiều kênh phân phối bán lẻ cho biết đã và đang hỗ trợ tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce, cho biết hệ thống siêu thị của công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng.

"Chúng tôi chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển, nên cần cam kết sản lượng cần tiêu thụ là bao nhiêu và giá cụ thể như thế nào”, đại diện VinCommerce nhấn mạnh.

Ngoài ra, chỉ trong 5 ngày, hệ thống siêu thị AEON đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long, Tập đoàn Central Retail cũng hỗ trợ tiêu thụ mỗi ngày 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần và 70 tấn ngày hay Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đưa hàng nông sản vào nhiều điểm tiêu thụ hàng hoá, ưu tiên trưng bày hàng hoá tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị SaigonCo.op Hà Nội, cho hay từ ngày 5/2, Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1600 tấn.

Tuy nhiên, có lúc dưa hấu và thanh long phải chờ đợi 2 ngày sản phẩm mới ra đến nơi, nên đại diện SaigonCo.op Hà Nội mong muốn các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh bao nhiêu thì chất lượng sản phẩm là vấn đề đáng quan tâm bấy nhiêu, bởi chất lượng sản phẩm chính là uy tín của mỗi doanh nghiệp phân phối.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam, cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn vì nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm nông sản cần giải cứu thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dùng. 

Do đó, bà Quỳnh yêu cầu sản phẩm cần nâng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì và chất lượng sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market, cũng cho rằng không nên dùng biện pháp giải cứu mà nên có các phương án dài hạn. 

"Chúng tôi có trạm chung chuyển nên cần có kế hoạch hài hoà về cung ứng, tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm nông sản bền vững và lâu dài", bà Nga nhấn mạnh.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, kết nối tiêu thụ nông sản, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân. Còn việc mở cửa thị trường mới thì phải làm tốt hơn. 

Theo Thứ trưởng, có thể cân nhắc đến thị trường châu Á như Campuchia, Myanmar… vì với thị trường có nhu cầu cao như Mỹ, EU thì yêu cầu cũng rất khắt khe. 

Tuy nhiên, muốn xuất khẩu thành công, địa phương cần tính toán để tái cơ cấu sản xuất và chuẩn bị kịch bản mang tính chiến lược, bài bản hơn.

Như Huỳnh