|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tận dụng sốt đất và khủng hoảng, kĩ sư điện biến xưởng nhỏ thành công ty cơ khí hàng đầu miền Trung

11:45 | 11/10/2019
Chia sẻ
Khi cơn sốt đất rộ lên ở Đà Nẵng vào năm 2007 và khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào năm 2008, Hà Đức Hùng nhận định đây là hai cơ hội để anh tạo đột phá trên thị trường.

Năm 2001, khi Hà Đức Hùng - một chàng trai ở thành phố Đà Nẵng - vừa tốt nghiệp ngành điện tự động của một trường đại học, cha của anh phải vào bệnh viện vì nhồi máu cơ tim. 

Vì cha phải điều trị lâu dài và không thể làm việc nặng nên Hùng từ bỏ giấc mơ theo ngành hàng hải để tiếp quản xưởng cơ khí của gia đình.

Cha của Hùng là giáo viên và công việc cơ khí chỉ là nghề tay trái của ông. Vì thế, xưởng chỉ có 5-7 công nhân. 

Sốt bất động sản chưa qua, khủng hoảng tài chính đã ập tới

Xác định sẽ theo nghề cơ khí, Hùng đặt mục tiêu biến nó thành doanh nghiệp. Ngoài những lúc học các chương trình quản lí doanh nghiệp, anh còn làm việc như thợ cơ khí để hiểu sâu về nghề.

Hùng xây dựng các qui trình sản xuất cơ khí, đào tạo thợ, qui hoạch nhà máy. Năm 2006, xưởng cơ khí của anh chính thức chuyển sang mô hình doanh nghiệp với tên gọi là Hà Giang Phước Tường. 

Ha Duc Hung 2

Ông Hà Đức Hùng, giám đốc công ty cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: VTV1

Một năm sau, ngành cơ khí ở Đà Nẵng trải qua biến động lớn bởi cơn sốt bất động sản. Hàng loạt chủ doanh nghiệp cơ khi bỏ nghề để đầu tư, buôn bán bất động sản vì lợi nhuận của ngành bất động sản trong một tháng có thể bằng lợi nhuận cơ khí trong vài năm.

Các chủ doanh nghiệp cơ khí đua nhau rao bán xưởng, máy móc, còn công nhân mất việc hàng loạt. Ngành cơ khí đối mặt nguy cơ mai một. Lúc ấy, Hùng cũng trăn trở với câu hỏi: "Anh có nên hùa theo đám đông để dấn thân vào mảng bất động sản hay không?".

Nhưng Hùng quyết định ở lại với nghề cơ khí vì anh vẫn yêu nghề, và cũng nhận ra cơ hội rất lớn khi các đối thủ lao vào mảng bất động sản. "Các đối thủ bỏ nghề, để lại một thị trường rộng mênh mông. Đây là cơ hội để tôi dẫn đầu thị trường", anh thổ lộ.

Ngoài ra, Hùng nhận thấy cơ khí là một trong những ngành xương sống của xã hội, liên quan tới mọi ngành sản xuất. Nó cũng tạo ra giá trị cho xã hội, mang lại việc làm cho nhiều người.

Chớp cơ hội nhiều xưởng cơ khí rao bán máy móc và sa thải thợ, Hùng mua thêm máy, tuyển thêm công nhân, mở rộng diện tích xưởng tới 6.000 m2.

HGPT1

Ván khuôn đúc chắn sóng do công ty Hà Giang Phước Tường sản xuất. Ảnh: HGPT

Trớ trêu thay, khi Hùng dồn tiền và tâm huyết cho "trận đánh lớn", khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ vào năm 2008 khiến nhu cầu với ngành cơ khi tuột dốc. Số đơn hàng giảm tới 70% khiến anh không có đủ tiền để duy trì hoạt động bình thường của công ty với hơn 50 người.

Một lần nữa, Hùng phải lựa chọn: Tiếp tục sản xuất cơ khí hay buông bỏ? Nếu tiếp tục sản xuất, anh không còn tiền để duy trì hoạt động của công ty. Song nếu buông bỏ, anh cũng không thể thanh lí máy móc và nhà xưởng vì không ai mua. 

Bên cạnh đó, Hùng tiếc thời gian và công sức mà anh đã dành cho việc đào tạo công nhân. Anh cũng lo lắng cho cuộc sống của những công nhân đã gắn bó với anh, và bản thân anh cũng không biết sẽ làm gì sau khi giải thể công ty.

Kéo dài khoảng lặng để chuẩn bị cho trận đánh lớn hơn

Phương châm của Hùng là mọi trận đánh đều cần một khoảng lặng để chuẩn bị. Xác định khủng hoảng kinh tế sẽ phải tới hồi kết, Hùng quyết định kéo dài khoảng lặng trước trận đánh quyết định. Anh sẽ cố gắng hoạt động cầm chừng để chờ khủng hoảng chấm dứt.

"Khi bong bóng bất động sản vỡ, các ngân hàng dành nguồn vốn cho những doanh nghiệp sản xuất với lãi suất rất ưu đãi. Vì thế, tôi vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất, đồng thời nghiên cứu những máy móc mới để chờ thời cơ", anh kể.

Nền kinh tế phục hồi vào năm 2009 khiến nhu cầu về cơ khí cũng tăng trở lại. Ở Đà Nẵng, ngoài công ty của Hùng, không doanh nghiệp nào có thể nhận nhiều đơn hàng lớn trong cùng một thời điểm, bởi công ty đã chuẩn bị rất kĩ để đón đầu tương lai.

Chỉ trong năm 2009, công ty Hà Giang Phước Tường nhận liên tiếp 4 công trình lớn, với trị giá mỗi công trình lên tới hơn 20 tỉ đồng cùng nhiều hợp đồng khác. Hà Giang Phước Tường là công ty tư nhân đầu tiên làm nhà thầu cơ khí cho công trình thủy điện có vốn tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đó là thủy điện Krong Hin ở Đắc Lắc.

du thuyen

Những kết cấu thép tạo nên du thuyền do Hà Giang Phước Tường thiết kế và lắp đặt ở Vinpearl Nam Hội An. Ảnh: HGPT

Hậu khủng hoảng, Hà Giang Phước Tường trở thành thương hiệu cơ khí hàng đầu ở miền Trung. Vì công ty đã hoàn thiện mọi khâu - từ thiết kế tới thi công - nên qui mô dự án cứ tăng dần. Công ty trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn ở Việt Nam như VIN, Hòa Phát, Eurowindow.

Hiện nay, Hà Giang Phước Tường có hai nhà máy với tổng diện tích hơn 14.000 m2. Trong năm nay, công ty đang xây dựng thêm một nhà máy với diện tích 13.000 m2. Doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 200 tỉ đồng.

Mục tiêu tương lai của Hà Giang Phước Tường là những "trận đánh" lớn ở những thị trường lớn hơn. Để đạt mục tiêu ấy, công ty vạch những kế hoạch cụ thể, chuẩn bị đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Công ty đầu tư hàng triệu USD để mua những thiết bị, dây chuyền hiện đại, chi hàng trăm nghìn USD cho phần mềm thiết kế, quản lí.

"Một khoảng lặng vài năm của chúng tôi đang diễn ra để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới", Hùng nhấn mạnh.

Nhạc Dương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.