|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao Masan Group, VNPay chạy đua vào thị trường viễn thông?

07:46 | 30/07/2023
Chia sẻ
VNSKY thuộc VNPay là mạng di động ảo mới nhất được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Sau khi thử nghiệm tại Nghệ An hồi cuối tháng 5, đầu tháng 7 vừa qua, mạng di động ảo VNSKY đã chính thức hoà sóng trên toàn quốc với đầu số 0777. VNSKY thuộc hệ sinh thái số của VNPay. Điểm đặc biệt của VNSKY là hỗ trợ data không giới hạn khi người dùng truy cập YouTube, TikTok và ví điện tử VNPAY.

VNSKY không phải là đơn vị đầu tiên tham gia thị trường mạng di động ảo. Trước đó, Việt Nam đã có ba nhà mạng di động ảo đang hoạt động gồm iTel (đầu số 087) và Wintel (đầu số 055), Local (đầu số 089) hợp tác cùng Vinaphone và MobiFone. 

Mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO) là khái niệm ra đời từ rất lâu trên thế giới. Về bản chất, một công ty viễn thông sẽ luôn có những phần dung lượng mạng mà họ hiếm khi sử dụng. Để có thêm doanh thu, một số công ty viễn thông sẽ bán phần dung lượng dư cho công ty kinh doanh MVNO.

Các công ty kinh doanh MVNO sẽ thuê lại phần dung lượng với giá sỉ, sau đó bán cho khách hàng giới giá bán lẻ. Lợi nhuận của công ty kinh doanh MVNO sẽ là phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Với công ty kinh doanh mạng di động ảo, việc thuê lại một phần hạ tầng của các công ty viễn thông sẽ giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ để xây dựng cơ sở vật chất.

 Mạng di động ảo VNSKY. (Ảnh: Đức Huy).

Mạng di động ảo bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam từ năm 2020 với sự nhập cuộc của Wintel từ Masan Group. Nói về mạng di động ảo Wintel, ông Danny Le, CEO Masan Group cho biết: “Wintel là mảnh ghép đầu tiên để số hóa “Point of Life”, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. 

Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, “Point of Life” đã có tất cả các mảng ghép chiến lược cần thiết để thu hút người tiêu dùng với chi phí hiệu quả. Từ đó, giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại. Đây chính là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng nền tảng này”.

Báo cáo từ HSBC đánh giá việc mua lại Wintel sẽ là bước đầu tiên quan trọng để mở rộng các dịch vụ của Masan kết hợp giữa mạng di động và internet, tận dụng công nghệ và các quan hệ đối tác.

HSBC cho rằng, việc tích hợp Wintel vào hệ sinh thái Masan có những điểm tương đồng mạnh mẽ với chiến lược của Reliance India. Điều này cho thấy bước đi tiếp theo của Masan có thể sẽ là mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán và fintech, nhắm đến những người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng. Đây được cho là một cơ hội lớn vì hiện 70% dân số của Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.

“Chúng tôi mô hình hóa tiềm năng của Wintel và ước tính rằng, nếu nó có thể đạt được 1% thị phần di động vào năm 2025, thì đóng góp doanh thu gia tăng cho tập đoàn Masan sẽ là 1%”, theo HSBC.

 Nhu cầu thanh toán online tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Tháng 3/2021, Việt Nam đã cấp phép hoạt động mobile-money, trong đó người tiêu dùng sử dụng tài khoản viễn thông có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Mục tiêu của chính sách này là tăng cường áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Không giống như ví điện tử, phải được liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, người dùng tiền di động chỉ cần một tài khoản di động để thực hiện thanh toán. Hạn mức giao dịch hàng tháng đối với tiền di động ở mức 10 triệu đồng.

“Chúng tôi tin rằng Wintel có tiềm năng đáng kể để phát triển trong lĩnh vực thanh toán, với 70% dân số vẫn chưa sử dụng tài khoản ngân hàng. Nó sẽ cạnh tranh với các công ty viễn thông khác có dịch vụ mobile-money”, HSBC cho biết.

Tương tự mục tiêu theo đuổi của Masan trong thị trường mạng di động ảo, đại diện VNPay cho biết VNSKY là mảnh ghép quan trọng giúp công ty hoàn thiện hệ sinh thái số đa dịch vụ - tiện ích, kết nối các ứng dụng thông qua một định danh an toàn - tiện lợi. 

"Từ đó, chúng tôi sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của mỗi người khi nghĩ tới công cụ số đa tính năng, từ liên lạc, kết nối cho đến giải trí, giải trí hay mua sắm. Đơn vị đặt mục tiêu trở thành một trong năm nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời đạt năm triệu thuê bao tới năm 2025”, ông Nguyễn Văn Dũng, CEO VNSKY chia sẻ.

VNSKY đánh giá dù thị trường đã có nhiều ông lớn song vẫn còn nhiều dư địa để gia nhập, trở thành một phần của ngành viễn thông trong mảng dịch vụ số đi kèm dữ liệu di động. 

Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này. Theo WeConnectThailand, tốc độ tăng trưởng trung bình năm ở thị trường mạng di động ảo trong khu vực là 10% - một con số đáng kể. 

Số liệu nghiên cứu của VNSKY cho thấy thị trường viễn thông tại Việt Nam có giá trị ước tính là 6,3 tỷ USD vào năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) 4,4% giữa các năm 2022 và 2027. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ của tiện ích số cũng như siêu ứng dụng, nhu cầu sử dụng Internet nói chung và dữ liệu di động (mobile data) của người dân ngày càng tăng cao. 

Theo số liệu Global Data, nhu cầu sử dụng mobile data đang có xu hướng phát triển nhanh với tỷ lệ tăng trưởng 11,2% mỗi năm (giai đoạn 2021-2026). Cả nước có hơn 125 triệu thuê bao (tính đến hết năm 2022), với hơn 100 triệu smartphone, đồng nghĩa rằng trung bình mỗi người sở hữu trên một SIM. Tuy nhiên, mới chỉ có 65% số người dùng đang sử dụng dữ liệu di động.

Ông Dũng chia sẻ: “Thay vì thay đổi thói quen sử dụng viễn thông của khách hàng, chúng tôi mong muốn thay đổi những giá trị, tiện ích mà khách hàng nhận được trên không gian số”.

Công ty hiện tập trung mở rộng các dịch vụ số, đồng thời sẽ kết hợp với các ứng dụng trong hệ sinh thái VNPAY để có những tiện ích riêng biệt đi kèm. Thông qua việc hợp tác với những nhà mạng lớn, công ty thừa hưởng lợi thế về cơ sở hạ tầng, viễn thông sẵn có, qua đó sở hữu vùng phủ sóng trên cả nước.

Đức Huy