Tại sao lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam, Brazil đi ngược chiều với Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản?
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi suất trái phiếu chính phủ ở Mỹ và châu Âu đang có xu hướng tăng lên. Các nhà phân tích cho rằng có thể thị trường đang nhận thấy nợ của các chính phủ đang ở mức quá cao.
Theo báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu hiện đang ở mức 305.000 tỷ USD, cao hơn 45.000 tỷ USD so với trước đại dịch COVID. Trong số này, các doanh nghiệp chiếm 161.700 tỷ USD (53%), chính phủ nợ 85.700 tỷ USD (28%) và cá nhân chiếm 57.600 tỷ USD (19%).
Chính phủ Mỹ là con nợ lớn nhất, với 30.000 tỷ USD, kế đến là Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp. VDSC cho biết nhìn chung lợi suất trái phiếu sẽ có xu hướng đi lên khi nợ tăng. Đây là một cách tự nhiên để thị trường gửi tín hiệu đến con nợ rằng việc vay tiền để tài trợ cho các hoạt động sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Mỹ đang chịu mức nợ bằng 123% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, nợ chính phủ của Nhật Bản lên tới 239%, tạo áp lực trả nợ lớn khi lợi suất trái phiếu lên cao.
Tuy nhiên, tại một số nền kinh tế, chẳng hạn như Brazil hay Việt Nam, lợi suất trái phiếu chính phủ lại có xu hướng giảm xuống.
Lý giải xu hướng này, VDSC cho rằng với các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu, việc bán ra ở những thị trường có thanh khoản cao, như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, sẽ dễ dàng hơn so với những nơi có thanh khoản kém hơn nhiều như các thị trường mới nổi.
Do đó, lợi suất trên những thị trường thanh khoản tăng lên, trong khi lợi suất tại những thị trường mới nổi không bị ảnh hưởng nhiều. Theo VDSC, hiện tượng này được gọi là sự bất đối xứng và/hoặc bộ đệm lợi suất biến mất.
Trong trường hợp của Trung Quốc, VDSC cho rằng các yếu tố tiêu cực đang ảnh hưởng tới lợi suất trái phiếu. Cụ thể, những dữ liệu từ nhiều chỉ số, bao gồm tăng trưởng tín dụng, đầu tư vào thị trường vốn và bất động sản, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xây dựng, xuất khẩu, giá sản xuất và nông sản, ... đều chỉ ra sự mất đà chung của nền kinh tế.
Các ngân hàng Trung Quốc đã gia hạn 345 tỷ nhân dân tệ (CNY) cho các khoản vay mới trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ 11/2009. Đồng thời, lạm phát tiêu dùng âm lần đầu tiên sau hơn hai năm, lạm phát của nhà sản xuất âm tháng thứ 10. Xuất khẩu Trung Quốc giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và nhập khẩu giảm 12%, tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.