|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tai họa đã ập xuống thị trường chứng khoán Mỹ như thế nào? Năm 2019 sẽ ra sao?

05:16 | 02/01/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đang diễn biến suôn sẻ thì đến ngày 3/10/2018, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.
tai hoa da ap xuong thi truong chung khoan my nhu the nao nam 2019 se ra sao Chứng khoán Mỹ ngày 31/12: Khép lại năm 2018 với nhiều kỉ lục buồn

Chứng khoán Mỹ gặp họa từ một câu nói

Tính đến ngày 3/10/2018, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đang tăng khoảng 8% so với đầu năm, tuy không “rực rỡ” bằng cùng kì năm trước nhưng cũng là khá cao.

Quan trọng hơn, bức tranh các yếu tố cơ bản đang rất tươi sáng: Nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ trên 3%, lợi nhuận doanh nghiệp đang ở mức cao nhất 8 năm trở lại đây, và Cục dự trữ Liên bang (Fed) có vẻ đang kiểm soát tốt chính sách tiền tệ và lãi suất.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/10 khá bình lặng và hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy chu kì giá lên có thể bị phá vỡ.

Thế rồi tai họa bắt đầu.

Trong một bài phát biểu có vẻ không được chuẩn bị kĩ càng, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell trả lời phỏng vấn hãng PBS sau giờ giao dịch cho rằng lãi suất “còn lâu” mới đạt mức cân bằng – tức là mức không kiềm chế tăng trưởng mà cũng không khiến nền kinh tế quá nóng.

Phát biểu của ông Powell được nhiều hãng tin giật tít nhưng cũng không tới mức gây quá nhiều sự chú ý.

Ngày hôm sau, chỉ số Dow Jones giảm 157 điểm – một mức giảm đáng kể nhưng cũng không đến nỗi quá đáng sợ đối với một chỉ số gồm các bluechip đang “gõ cửa” mốc 27.000 điểm.

Nhưng ngày hôm sau, thị trường giảm thêm chút nữa. Rồi thêm chút nữa, thêm chút nữa và lại thêm chút nữa.

Cuối cùng, chỉ số Dow Jones rơi vào vùng thị trường gấu khi giảm hơn 20% từ đỉnh của năm. Quan trọng hơn, nỗi sợ của thị trường đã hiện rõ: Cục dự trữ Liên bang trước đây giúp thị trường chứng khoán tăng phi mã nhờ thanh khoản dồi dào và lãi suất thấp, giờ đây có vẻ cơ quan này đã sẵn sàng thay đổi hướng đi.

Ông Tom Lee, Giám đốc hãng tư vấn Fundstrat Global Advisors, nói: “Chúng tôi cho rằng Fed đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ cuối năm 2018”.

Ngày này qua tuần khác, phố Wall đột nhiên phải đối mặt với một thực tế mới: Thị trường giá lên tưởng chừng như bất khả chiến bại đột nhiên phải lo lắng đủ điều. Thời kì hoàng kim kéo dài suốt 9 năm trước đó đó vốn bị nhà đầu tư coi rẻ đứng trước nguy cơ chấm dứt. Từ một nền kinh tế đang lung lay, tương lai lãi suất bất định đến một vị tổng thống suốt ngày nói về thị trường chứng khoán – tất cả cả đều là những điềm xấu.

tai hoa da ap xuong thi truong chung khoan my nhu the nao nam 2019 se ra sao
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Lo càng thêm lo

Bản thân phát biểu của ông Powell là đủ để bắt đầu một đợt bán tháo. Ngoài ra câu nói của ông còn khơi mào hàng loạt những lo ngại khác mà trước đây nhà đầu tư vẫn cố tình lờ đi và không thể vượt qua được kể cả sau khi ông cố gắng thay đổi quan điểm “còn lâu mới chạm ngưỡng cân bằng” trước đó.

Đột nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở thành một mối nguy hiện hữu dù trước đó phố Wall vẫn tỏ ra lạc quan về vấn đề này và cho rằng căng thẳng có thể được giải quyết êm thấm thông qua đàm phán.

Tương tự với lo ngại tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tiến trình Brexit gặp trở ngại và sự hỗn loạn ở Washington kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử.

Tổng thống Trump cũng không giúp gì cho thị trường chứng khoán.

Trong khi phố Wall chao đảo thì ông Trump lại tăng cường công kích Chủ tịch Fed Jerome Powell và các cộng sự. Nối tiếp những chỉ trích từ đầu năm, ông Trump lớn tiếng bày tỏ băn khoăn về quyết định bổ nhiệm ông Powell vào chiếc ghế chủ tịch Fed thay bà Janet Yellen, ông Trump còn nhiều lần khẳng định việc Fed tăng lãi suất là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ.

Ông Trump thậm chí còn lên tiếng phê phán Fed vào ngày trước Giáng sinh khi thị trường xảy ra bán tháo trên diện rộng:

"Vấn đề duy nhất của nền kinh tế nước Mỹ là Fed. Bọn họ không hiểu thị trường, họ không hiểu những cuộc chiến thương mại cần thiết, không hiểu đồng USD mạnh hay thậm chí là việc Đảng Cộng hòa đóng cửa chính phủ vì vấn đề biên giới. Fed như là một tay golf có thừa sức mạnh nhưng không thể ghi điểm vì thiếu sự khéo léo".

Chiến lược gắn diễn biến của thị trường chứng khoán với nền kinh tế của ông Trump luôn tỏ ra là một chiến lược mạo hiểm, đặc biệt là khi một thị trường gấu đang dần ló mặt.

Và dường như ông Trump càng nói nhiều về thị trường chứng khoán thì tình hình càng trở nên tồi tệ, nhà đầu tư thì vẫn tiếp tục lo lắng không biết thị trường lúc nào mới chạm đáy.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Dẫu vậy, nhà đầu tư vẫn có nhiều lí do để lạc quan.

Nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh. Tỉ lệ thất nghiệp hiện ở quanh mức thấp nhất 50 năm trở lại đây và tỉ lệ tăng trưởng việc làm vẫn ổn định.

Lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng hơn 20% trong năm 2018 và nhiều khả năng sẽ chậm lại, tuy nhiên sẽ không tới mức suy thoái. FactSet ước tính lợi nhuận sẽ tăng khoảng 8% trong năm 2019, giảm nhiều so với năm 2018 nhưng dù sao cũng vẫn là tăng trưởng. Tâm lí nhà đầu tư và doanh nghiệp có dấu hiệu sa sút nhưng vẫn trên mức trung bình lịch sử.

Thêm vào đó, tất cả chuyên gia tại các tập đoàn lớn ở phố Wall đều cho rằng thị trường cuối năm 2019 sẽ tăng điểm so với đầu năm.

Thậm chí ngay cả vấn đề Fed tăng lãi suất cũng có thể dần biến mất khỏi tầm ngắm của nhà đầu tư. Hiện tại mức định giá hợp đồng tương lai cho thấy nhà đầu tư đang dự báo Fed sẽ không tăng lãi suất, và trong lịch sử Fed rất ít khi khiến thị trường phải bất ngờ dù ngân hàng trung ương này đã dự báo sẽ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019.

Ông John Stoltzfus, Chiến lược gia trưởng tại Oppenheimer, cho biết: “Đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed đã lùi vào quá khứ, thị trường cũng đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh. Ngoại trừ một sự kiện bất thường mang tính chất “thiên nga đen” xảy ra như tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh, chúng tôi cho rằng đợt sụt giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán đã ở sau chúng ta”.

Đồng tình với quan điểm của Nhà trắng do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thể hiện, ông John Stoltzfus cũng cho rằng đợt bán tháo trong quí IV vừa qua là do hoạt động giao dịch bằng thuật toán và “các nhân tố kĩ thuật” chứ không phải là “sự sa sút trong các yếu tố căn bản kinh tế và doanh nghiệp”.

Ông cũng kì vọng chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2019 ở khoảng 2.960 điểm, tức tăng khoảng 19% so với cuối năm 2018. Tuy vậy, mức điểm này vẫn thấp hơn mức 3.000 điểm mà ông đã kì vọng chỉ số này sẽ đạt được trong năm 2018.

“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên coi đây là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu với mức định giá hấp dẫn ở các nhóm ngành bị quá bán”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Stoltzfus và các đồng sự tại phố Wall cũng tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phải trải qua thêm một quãng thời gian "đau đớn" với nhiều biến động trong năm 2019 trước khi có thể ổn định và lấy lại đà tăng.

Xem thêm

Song Ngọc

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).