|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ rực đỏ, Fed sẽ không 'đổ thêm dầu vào lửa'?

15:00 | 18/12/2018
Chia sẻ
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất ít khi nâng lãi suất khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh như hiện nay. Tuy nhiên những lời lẽ công kích gần đây của ông Trump có thể khiến tình hình thay đổi.
chung khoan my ruc do fed se khong do them dau vao lua Chứng khoán Mỹ đang có tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng 87 năm trước

Fed ít khi tăng lãi suất khi thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa

Hiện tại chỉ số S&P 500 đang giảm so với thời điểm 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng trước. Từ năm 1980 đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 76 lần nhưng chỉ có hai lần tăng trong bối cảnh S&P 500 giảm “toàn tập” như vậy, lần gần đây nhất là vào năm 1994 – tức 24 năm trước.

Thống kê này cung cấp một góc nhìn khác vào sự chia rẽ giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế, điều khiến nhiều nhà dự báo phải đau đầu khi cố gắng liên kết hai chủ thể với nhau.

chung khoan my ruc do fed se khong do them dau vao lua
Từ năm 1980 đến nay, Fed ít khi nâng lãi suất (đường màu trắng) khi thị trường chứng khoán suy giảm. Nguồn: Bloomberg.

Một nửa nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đang trong vùng suy thoái (sụt giảm 20% từ đỉnh 52 tuần), nhóm ngân hàng hay vận tải thì giảm hết ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên một số dữ liệu kinh tế lại ủng hộ lộ trình tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ.

Đây là một trong những lí do khiến nhà đầu tư sẽ tập trung sự chú ý vào những bình luận về sự ổn định tài chính hoặc ổn định thị trường, tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy những biến động gần đây đã thu hút được sự chú ý của quan chức Fed.

Ông David Rosenberg, chuyên gia kinh tế trưởng tại Gluskin Sheff nhận định: “Đây là một bài toán khó thú vị cho Fed. Các thị trường tài chính đang gửi đi thông điệp “Thôi đừng nâng lãi suất nữa” nhưng các số liệu kinh tế lại hàm ý rằng việc tăng lãi suất là cần thiết.”

Mặc dù ảnh hưởng của thị trường tài chính tới tính toán chính sách của Fed là chủ đề gây tranh cãi muôn thuở, nhưng thực tế là từ năm 1980 tới nay, quyết định tăng lãi suất hầu như luôn được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng tốc.

Tính trung bình, chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 4,1%, 6,9% và 11% so với thời điểm 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng trước khi lãi suất được nâng lên. Một ngoại lệ xảy ra vào thập niên 1970s khi Fed phớt lờ những rối loạn của thị trường để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao 7% một năm.

Tất nhiên nền kinh tế hiện nay hoàn toàn khác với khi đó. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở dưới ngưỡng 3% trong 6 năm qua và GDP hiện cũng chỉ tăng với tỉ lệ 3,5%, khó có thể khẳng định đây là tăng trưởng quá nóng. Mối lo lắng của thị trường chứng khoán hiện nay dường như đến từ phía ngược lại khi mà ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp nói về nguy cơ suy thoái.

Phiên giao dịch đầu tuần này 17/12, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 10/2017.

chung khoan my ruc do fed se khong do them dau vao lua
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Số liệu kinh tế không phản ánh đúng thực trạng?

Đầu tháng 12, một báo cáo của Fed cho biết tổ chức này coi những lo ngại về ổn định tài chính đang ở mức trung bình và dẫn ra những vấn đề tiềm tàng về bất động sản, nợ doanh nghiệp và những khoản vay đòn bẩy. Tuy vậy, đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ đã thổi bay 3.000 tỉ USD vốn hóa và nhiều nhà đầu tư đã kêu gọi Fed phải có biện pháp giúp chấm dứt cơn hoảng loạn này.

Phải chăng thị trường chứng khoán đang gửi đi một thông điệp rằng các dữ liệu kinh tế chưa phản ánh đúng tình hình thực tế? Một số chiến lược gia thị trường nghĩ vậy. Họ cho rằng 8 lần tăng lãi suất trong 3 năm qua là quá đủ đối với một quốc gia bị đe dọa bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khủng hoảng Brexit và nguy cơ tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.

Theo kế hoạch, Fed sẽ công bố quyết định có hay không tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay vào ngày 19/12. Trong số 89 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, 87 người dự báo Fed sẽ nâng lãi suất.

Ông Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management nhận xét: “Fed cần phải có những chính sách “bồ câu” hơn (nới lỏng tiền tệ - PV) để không làm thị trường thất vọng. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa. Nhưng những dấu hiệu về sự linh hoạt của Fed đã khiến thị trường kì vọng tốc độ thắt chặt tiền tệ trong năm 2019 sẽ giảm xuống”.

Cách đây không lâu, biến động trên thị trường chứng khoán có vẻ có tác động vào chính sách của Fed. Cụ thể vào tháng 12/2015, Chủ tịch Fed khi đó là bà Janet Yellen đưa ra quyết định tăng lãi suất đầu tiên của chu kì kinh tế chỉ hai tháng sau khi chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất 4 năm. Chứng khoán Mỹ sau đó rơi vào đợt điều chỉnh 10% và nữ chủ tịch Fed quyết định dừng tăng lãi suất trong một năm.

Theo hãng Bianco Research - chuyên nghiên cứu các bài phát biểu, thông cáo, biên bản và điều trần, đợt bán tháo gần đây đã được các quan chức Fed chú ý vì tần suất xuất hiện cụm “sự ổn định tài chính” trong những bình luận của Fed đã tăng lên mức cao của năm là 5,7%, trong khi tần suất xuất hiện các cụm từ “lạm phát” hay “thất nghiệp” cùng sụt giảm.

chung khoan my ruc do fed se khong do them dau vao lua
Tần suất xuất hiện cụm từ "sự ổn định tài chính" (đường màu đỏ) gần đây tăng lên trong các thông báo của Fed. Nguồn: Bloomberg/Bianco

Nhà đầu tư nhỏ lẻ về phe Tổng thống Trump

Khi cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500, DJIA, Nasdad Composite) cùng giảm trên 2% trong phiên 17/12, Tổng thống Donald Trump tiếp tục chỉ trích chính sách nâng lãi suất của Fed, cho rằng tổ chức này thậm chí không được phép nghĩ đến việc nâng lãi suất trong những ngày cuối năm.

chung khoan my ruc do fed se khong do them dau vao lua
Dòng tweet với nội dung công kích Fed của ông Trump. Tạm dịch: "Thật không thể tin được. Đồng USD đang mạnh, lạm phát đang rất thấp, thế giới xung quanh đang nổ tung, Paris đang bùng cháy, Trung Quốc đang lao đầu xuống hố sâu, vậy mà Fed còn nghĩ đến việc tăng lãi suất thêm một lần nữa".

Tuyên bố này của ông Trump được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ủng hộ. Mới đây, ngân hàng Wells Fargo vừa khảo sát hơn 1.000 người dân Mỹ với tài khoản đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quĩ tương hỗ trị giá ít nhất 10.000 USD.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, 47% số người được hỏi cho rằng nâng lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Tỉ lệ người không ủng hộ nâng lãi suất tăng từ 46% hồi tháng 5 lên 61% vào giữa tháng 11.

Chỉ khoảng 11% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, tuy nhiên cũng có tới 50% cho rằng nền kinh tế vẫn đang vững vàng; khoảng 39% cho rằng nền kinh tế đang “lung lay” hoặc “yếu”.

Ngày 18/12 (giờ Mỹ) Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington. Diễn biến thị trường hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy khả năng Fed quyết định nâng lãi suất trong lần họp này là trên 60%.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Trump công kích Fed mới đây khiến cho Chủ tịch Jerome Powell buộc phải nâng lãi suất dù có thể ông không muốn làm điều đó. Lý do là ông không muốn Fed bị mang tiếng thiếu độc lập về chính trị.

Xem thêm

Kiên Dương