Tái cơ cấu ngành điều - Bài 2: Liên kết để hình thành chuỗi sản xuất
Cấp bách tái cơ cấu ngành điều |
Bình Phước hiện có khoảng 145.000 ha điều trong tổng số 300.000 ha của cả nước. Diện tích lớn, công nghiệp chế biến hàng đầu, nhưng người nông dân lại chưa làm giàu từ ngành điều. Vì vậy, cần có cơ chế tái cơ cấu ngành điều, kết nối nâng tầm chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế vừa cho nhà nông, nhà sản xuất, nhà chế biến, xuất khẩu.
* "Nút thắt" cần tháo gỡ
Tại Hội nghị ngành điều cả nước vừa tổ chức tại Bình Phước, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trăn trở với câu hỏi, người dân trồng điều có thu nhập chưa cao, vì sao họ chưa thể làm giàu từ cây điều?
Một hội nghị về ngành điều cả nước vừa được tổ chức tại Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành điều Việt Nam hiện còn rất nhiều bất cập, nhất là khu vực trồng trọt. Đây là cây công nghiệp bị giảm diện tích lớn, từ 440.000 ha năm 2008, đến nay chỉ còn 300.000 ha. Cây điều đang cho thu nhập không cao.
Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt những trận mưa trái mùa xuất hiện vào giữa mùa khô ở những vùng trồng điều trọng điểm ở thời điểm điều ra hoa, đậu quả đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Biến đổi khí hậu cộng với trình độ thâm canh còn lạc hậu dẫn đến thu nhập của người trồng điều ở mức thấp. Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam mới bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu điều. Thời điểm này, diện tích, sản lượng, doanh số xuất khẩu đạt rất thấp. Nhưng đến nay điều đã trở thành ngành nông sản mũi nhọn.
Sản lượng năm 2017 tổng chế biến đạt hơn 353.000 tấn hạt điều nhân và cho giá trị xuất khẩu vượt mốc 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, đây là ngành hàng có giá trị rất lớn, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét, năng suất hạt điều trên cùng đơn vị diện tích liên tục tăng, hiện ở mức khá nhất trên thế giới. Việt Nam đã hình thành được ngành công nghiệp chế biến điều đạt loại khá, với hơn 400 cơ sở chế biến.
Thế nhưng, dù đã hình thành được nền tảng công nghiệp chế biến hạt điều nhưng mới chỉ tạo ra được hạt điều sạch, điều trắng, còn sản phẩm mang giá trị gia tăng sâu hơn thì chưa làm tốt.
Trong khi đó, về chuỗi giá trị phân khúc ở khâu sản xuất, khâu chế biến mới chiếm giá trị khoảng 45-50%, còn phân khúc chế biến sâu và tổ chức phân phối hàng hóa, tương đương 50% thì Việt Nam chưa làm được. Điều này dẫn đến hiệu quả tổng thể của ngành hàng hạt điều chưa cao. Đây là nút thắt mà cần được tháo gỡ.
* Cần cơ cấu lại
Làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá “ thủ phủ” Bình Phước đang chiếm đến 50% diện tích cả nước về diện tích trồng điều. Hiện số hộ dân tham gia trồng điều được thống kê đến đầu năm 2018 lên đến hơn 71.000 hộ. Bình Phước có thổ nhưỡng đất đai màu mỡ phù hợp trồng cây điều tốt nhất cả nước.
Theo đó, Tỉnh uỷ Bình Phước xác định cây điều là cây chủ lực về phát triển kinh tế hộ gia đình là phù hợp với chủ trương; trong đó cây điều có nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Bình Phước cũng có hệ thống chế biến, xuất khẩu đứng đầu cả nước với hàng trăm cơ sở lớn nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất này. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành nông nghiệp địa phương hiện sản lượng điều làm ra tại “ thủ phủ” tỉnh này chỉ đáp ứng từ 20-25% nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Tái cơ cấu ngành điều Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Số còn lại 75% là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến, rồi tái xuất khẩu. Như vậy, việc nhập khẩu gia công xuất khẩu chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành điều nước nhà.
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phúc An cho hay, cả nước nói chung và “thủ phủ” điều Bình Phước nói riêng có các nhà sản xuất, xuất khẩu điều đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, việc định giá sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Mặc dù là “thủ phủ” điều của cả nước nhưng hàng năm sản lượng điều chỉ đáp ứng rất nhỏ cho công suất của các cơ sở chế biến, khiến nhiều nhà máy bị động trong khâu nguyên liệu.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc, các doanh nghiệp chủ yếu chế biến thô, chưa đầu tư vào chế biến sâu nên lợi nhuận chưa cao, cũng như trình độ tiếp cận khoa học công nghệ, trang thiết bị cho người lao động còn hạn chế.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất, thời gian tới, phải tập trung tái cơ cấu ngành điều. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, không tăng về diện tích cây điều, chỉ giữ ở mức 300.000 ha.
Ở khâu trồng trọt phải tăng năng suất lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian ngắn nhất trên cơ sở xây dựng quy trình sản xuất, theo phương thức sạch hữu cơ và tiến tới hữu cơ, thích ứng cho những tiểu vùng trọng điểm gồm: Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Bên cạnh đó, tập trung vào chế biến sâu hơn, xuất khẩu sản phẩm giá trị sâu hơn, kèm theo đó phải xây dựng được những thương hiệu mạnh, tổ chức lại sản xuất công nghiệp, lựa chọn những nhà đầu tư đủ tiềm lực về tài chính, quản trị, có khát vọng xây dựng được những thương hiệu mạnh Việt Nam để đảm bảo chuỗi giá trị sau này đạt hiệu dài hơn, cao hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ tỉnh Bình Phước thông qua các chương trình hỗ trợ tái thiết lại các vườn điều, nhằm nâng cao năng suất sản lượng. Bởi qua trồng nhiều năm, các vườn điều ở “ thủ phủ” Bình Phước đã già cỗi, cho năng suất kém, trong khi biến đổi khí hậu gây thất mùa liên tục nhiều năm gần đây.
Mặt khác, cũng theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tổ chức đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục cho được những yếu tố bất thuận của thời tiết hiện nay. Trước sự biến đổi của thời tiết như mưa trái mùa thì phải có tổ hợp những giống thích ứng cho từng tiểu vùng hoặc có những phương thức canh tác sao cho phù hợp.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phải hình thành chuỗi sản xuất khép kín mà khâu sản xuất cần liên kết chặt với khâu chế biến và tổ chức thương mại. Muốn làm được vậy thì doanh nghiệp phải liên kết chính quyền, với bà con nông dân với phương thức hình thành các hợp tác xã.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị “thủ phủ” Bình Phước sắp tới doanh nghiệp phải cùng chính quyền, bà con nông dân xây dựng mối liên kết để hình thành chuỗi sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ổn định đầu thu mua, chế biến, tổ chức phát triển thị trường cả trong và ngoài nước.
Phải ổn định thị trường trong nước, xem thị trường trong nước là tiềm năng để bán sản phẩm, chứ chỉ chăm chăm chế biến xuất khẩu thì chưa khai thác hết chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/