'Tái cơ cấu kinh tế, đầu tiên không phải tiền đâu'
|
Bình luận tại nghị trường ngày 3/11, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu với câu hỏi tái cơ cấu nên bắt đầu từ đâu?
Tái cơ cấu bằng tiền vẫn phá sản
Lấy ví dụ gần gũi từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân nói, doanh nghiệp có thể chọn con đường tăng vốn chủ sở hữu, vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn xã hội qua cổ phần, cổ phiếu. Hoặc về lao động doanh nghiệp cũng có thể thay tỷ lệ lao động có trình độ cao, trình độ thấp, lao động trong nước, nước ngoài, lao động nam và nữ.
Theo ông Nhân, có hai cách tiệp cận, thứ nhất, phải có vốn, có tiền, coi có tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào, để sản xuất bán hàng và thu lại doanh thu, kết quả. Thứ hai, không phải xuất phát từ tiền mà xuất phát từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt trong thị trường. Từ đó thiết kế sản xuất, mua đầu vào, triển khai sản xuất, bán sản phẩm, thu hồi vốn và tái đầu tư.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu bằng vấn đề đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án gang, thép Thái Nguyên, không phải thiếu vốn, vốn ban đầu 3.600 tỷ, sau nâng lên gần 8.000 tỷ nhưng rồi vẫn không hoạt động.
"Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu. Thứ tự phải là thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu, người đâu, tiếp đến mới là tiền đâu và đất đâu", ông Nhân bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, tái cơ cấu ngành còn "gian nan" hơn nhiều so với doanh nghiệp. Vị chủ tịch dẫn chứng. Tái cơ cấu doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi ông chủ phát lệnh thì mọi cấp dưới phải thực hiện và chủ doanh nghiệp vì lợi ích của mình sẽ quan tâm đeo bám việc tái cơ cấu.
Còn ở ngành, không có ai là chủ sở hữu của cả quy trình cả. Không có ai có sức ra lệnh cho cả hệ thống đầu vào đầu ra và sản xuất. Vì vậy, tái cơ cấu ngành cần sự phối hợp của cả 3 khâu cung cấp đầu vào, tổ chức sản xuất và đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành cần sự phối hợp giữa các doanh nghiệp của ba khâu, cung cấp đầu vào, sản xuất và tổ chức tiêu thụ xuất khẩu. Tức là cần sự phối hợp của hội doanh nghiệp ngành hàng đó, của Nhà nước, cơ chế, chính sách và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
"Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua chúng ta thiếu khâu này, thiếu hợp tác công-tư trong việc phối hợp để thực hiện tái cơ cấu của ngành", ông Nhân nhận xét.
Ông khuyến nghị, các doanh nghiệp cùng Nhà nước phải bàn thị trường đang cần gì, nên tập trung vào thị trường sản phẩm nào, doanh nghiệp sẽ làm được gì, cần Nhà nước hỗ trợ gì, từ đó mới tiến hành có hiệu quả. Để tái cơ cấu ngành phải có hợp tác công-tư chứ không phải chỉ về vốn.
Con người và vốn
Hai trong 3 nguồn lực được chủ tịch Mặt trận Tổ quốc nhắc đến là vốn và nhân lực. Bài toán đặt với Việt Nam là làm thế nào để huy động vốn trong dân trước bối cảnh ngân sách phải thắt chặt do các vấn đề nợ công. Ông Nhân chỉ ra, mỗi năm kiều hối về nước từ 8-10 tỷ USD gấp đôi số vốn ODA giải ngân trong một năm. Nếu tận dụng được nguồn vốn này, nguy cơ phụ thuộc vào ODA là không đáng kể.
Làm thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài thế nào thì hiệu quả cao. Kế sách do ông Nhân đề xuất là không cần tập trung xúc tiến tất cả 116 nước. Để thu hút đầu tư Việt Nam chỉ cần tập trung thu hút của 10 nước đã đầy tư 78% tổng số vốn FDI và 12 nước tiềm năng khác.
“Con người là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 chúng ta sẽ có 68 triệu lao động. Đây là lợi thế vô cùng quan trọng, bởi tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì sinh ít, nên chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa”, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đang gặp phải tình trạng giá trị lao động còn thấp. Ông lấy ví dụ, một giờ lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp Việt Nam 29 lần; ở Singapore gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8. "Một câu hỏi giản dị là vì sao Samsung vào Việt Nam? Họ có công nghệ, có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động nên họ đầu tư vào Việt Nam", ông tâm tư.
Năng suất kỹ thuật của Việt Nam không hề thấp, nhưng năng suất tính bằng tiền của Việt Nam thì ngược lại. Do đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “thời gian tới Việt Nam cần coi trọng tối đa việc sử dụng, phát huy vốn lớn nhất chính là con người”.
"Để tái cơ cấu kinh tế phải tái cơ cấu tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu mà câu hỏi thứ nhất là thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì? Câu hỏi thứ hai là người ở đâu? Cái này chúng ta đang có và làm tốt hơn. Câu hỏi thứ ba là có biết công nghệ không, có làm chủ được khoa học kỹ thuật không? Theo tôi, tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam đứng trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư là vốn ở đâu? Câu hỏi thứ năm là đất ở đâu? Sẽ được giải quyết khi 3 câu hỏi trên có lời giải", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/