|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kiều hối đổ về TP HCM tăng 37% trong nửa đầu năm

09:50 | 20/07/2023
Chia sẻ
Sáu tháng năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TP HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Kiều hối chuyển về TP HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù nhiều quốc gia đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, song lượng kiều hối chuyển về TP HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, tính đến cuối tháng 6/2023, lượng kiều hối chuyển về TP HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Riêng quý 2 năm 2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 2,21 tỷ USD, tăng 4,5% so với quý I/2023.

Sở dĩ TP HCM thu hút lượng lớn kiều hối vì thành phố luôn có cơ chế chính sách thông thoáng. Chẳng hạn, thân nhân không phải trả thuế thu nhập, có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển khoản cùng với hệ thống điểm giao dịch, đại lý, tổ chức chi trả rộng khắp để đáp ứng tốt nhất việc chi trả kiều hối …

Mặt khác, trong nửa đầu năm nay, tỷ giá, lạm phát trong nước duy trì rất ổn định trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng cao, điều này cũng góp phần đáng kể hút dòng kiều hối chảy về nước.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng kết quả trên là rất tích cực và cần được phát huy để duy trì trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm với các giải pháp cụ thể.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đề xuất cần tiếp tục khai thác và phát triển tốt các yếu tố thúc đẩy kiều hối; trong đó khai thác và phát triển tốt thị trường lao động - khu vực có nguồn kiều hối tăng trưởng tốt những năm gần đây.

Thực tế cho thấy lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á và châu Phi tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái và so với quý I/2023. Trong đó, châu Á là khu vực kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 47% tổng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn thành phố, tăng 14,4% so với quý trước, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kiều hối của quý II/2023 và sáu tháng năm 2023 trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế được phép cung ứng dịch vụ nhận và chi trả kiều hối tiếp tục mở rộng và phát triển dịch vụ theo hướng đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng dịch vụ tốt, phương thức chi trả tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng và kịp thời đáp ứng yêu cầu nhận và chi trả kiều hối, cũng như nhu cầu của người nhận kiều hối trong nước. Thực hiện tốt hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy kiều hối tăng trưởng.

Song song đó, cần làm tốt công tác thông tin truyền thông, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và hướng về tổ quốc của kiều bào, chuyên gia và người lao động ở nước ngoài.

Đây sẽ là nguồn động lực to lớn tác động không chỉ đến việc thu hút nguồn kiều hối mà còn là các nguồn lực to lớn khác về đầu tư; về nguồn nhân lực, với những đóng góp về kiến thức, kinh nghiệm, học tập và chuyển giao khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch, dịch vụ, tạo dư địa cho tăng trưởng nguồn kiều hối về thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn tới.

Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ chi trả kiều hối, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về sản phẩm dịch vụ nhận và chi trả kiều hối, đặc biệt là tiện ích dịch vụ và các lợi ích liên quan; công khai minh bạch về phí, hiệu quả dịch vụ; phương thức chi trả. Bảo đảm thông tin dễ tìm, dễ kiếm qua các trang web của tổ chức tín dụng cũng như qua đối tác… Từ đó, kiều bào, chuyên gia và người lao động ở nước ngoài thuận lợi trong việc chuyển kiều hối về nước.

Nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối chuyển về, hiện TP HCM đang xây dựng "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố."

Dự thảo Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài …

Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về thành phố ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.

Hứa Chung

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).