Tách bạch Chủ tịch và CEO: Tránh tình trạng 'vừa đá bóng vừa thổi còi'
Nghị định 71 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng được ban hành ngày 6/6/2017 được kì vọng mang lại sự thay đổi trong quản trị đặc biệt ở các đơn vị niêm yết, tăng thêm tính minh bạch và hiệu quả của Hội đồng quản trị, ban điều hành.
Tới ngày 1/8 tới đây, qui định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 71 là "Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng sẽ chính thức có hiệu lực sau 3 năm chuẩn bị.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng tách bạch chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc (CEO). Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Wall Street Journal và Đại học Stanford, tỷ lệ các công ty S&P 500 có CEO cũng là Chủ tịch đã giảm từ mức 49% năm 2017 xuống 46% vào năm 2018 và giảm mạnh so với con số 77% năm 2001.
Xu hướng thậm chí còn khác biệt hơn ở châu Âu, nơi chỉ có 9,2% trong số 600 công ty ở nhóm Stoxx Europe 600 là Chủ tịch kiêm luôn cả CEO.
Để có những góc nhìn rộng hơn về Nghị định 71 cũng như việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (Giám đốc), người viết đã có cuộc trao đổi với ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), Giám đốc Hãng tư vấn AFA Research & Education.
Tại sao các doanh nghiệp thường có xu hướng để Chủ tịch giữ luôn vai trò là CEO?
Ông Phan Lê Thành Long: Liên quan đến vấn đề văn hoá, ở Việt Nam các doanh nghiệp hình thành đều bắt đầu từ mô hình gia đình, vì vậy ai nắm giữ cổ phần lớn nhất sẽ giữ luôn trọng trách Chủ tịch HĐQT kiêm CEO.
Trước Nghị định 71 có Thông tư 121 của Bộ Tài chính ban hành năm 2012 nhưng chỉ là cấp thông tư qui định về quản trị công ty nên không có nhiều doanh nghiệp tuân thủ do không có chế tài xử phạt kèm theo.
Ví dụ, Thông tư 121 qui định 1/3 số thành viên HĐQT là thành viên độc lập nhưng rất ít doanh nghiệp làm được.
Sau đó Nghị định 71 ra đời, được nâng cấp lên nghị định của chính phủ thay vì thông tư của Bộ Tài chính nên là căn cứ pháp lí cấp cao về quản trị công ty.
Bên cạnh đó, do nền tảng qui định và nền tảng thông lệ về quản trị công ty còn yếu khi Việt Nam được đánh giá là đang trong giai đoạn nhận thức về quản trị công ty yếu kém nên doanh nghiệp chưa nhận thức được được vai trò của việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.
Ông đánh giá như thế nào về việc tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (Giám đốc)?
Các doanh nghiệp phải hiểu được bản chất của việc tách bạch chức danh Chủ tịch và CEO. Nếu việc tách bạch mà chỉ mang tính chất hình thức thì không có ý nghĩa. Nhưng ít nhất về mặt hình thức các doanh nghiệp phải bắt buộc thực hiện.
Thứ nhất, HĐQT đóng vai trò định hướng chiến lược, chỉ đạo còn Tổng giám đốc là người quản lí vận hành. Do đó, hai vị trí đòi hỏi năng lực rất khác nhau. Việc tách bạch giúp cho Chủ tịch và CEO thể hiện được vai trò của mình.
Thứ hai, việc tách bạch giúp tăng cường yếu tố kiểm soát vì HĐQT sẽ kiểm soát ban điều hành. Nếu Chủ tịch kiêm CEO sẽ dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Như vậy, việc tách bạch giúp cấu trúc quản trị công ty mới vững mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp đặc biệt là rủi ro cho cổ đông không kiểm soát.
Quan điểm của ông về vai trò của Nghị định 71 đối với hoạt động quản trị công ty và thị trường chứng khoán?
Nghị định 71 là hành lang pháp lí đầu tiên ở cấp chính phủ với góc độ toàn diện hơn so với Thông tư 121 của Bộ Tài chính.
Căn cứ vào Nghị định, các doanh nghiệp có các qui định cụ thể để doanh nghiệp tham chiếu vào quản trị công ty của mình để đánh giá.
Quản trị công ty là "xương sống" của doanh nghiệp, tạo được uy tín cho cổ đông, giảm rủi ro, giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Mục tiêu lớn nhất của quản trị công ty là bảo vệ cổ đông không kiểm soát. Khi quản trị công ty tốt có khả năng huy động vốn hiệu quả trên thị trường, đặc biệt vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Khi các doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt là tiền đề quan trọng cho thị trường chứng khoán đủ điều kiện để nâng hạng thị trường giúp thu hút được nguồn vốn lớn từ các quĩ đầu tư.