|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tác quyền cây lúa

21:54 | 18/12/2018
Chia sẻ
Hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 8 công trình vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam -  Dấu ấn những công trình” năm 2018. Dưới góc nhìn công nghệ cao qua việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất lúa giống đang đặt ra vấn đề về tác quyền cây lúa, thúc đẩy thị trường mua bán chất xám.

Từ việc thương mại hóa giống lúa…

tac quyen cay lua

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, cung ứng nhiều giống lúa chất lượng cao được dùng phổ biến không chỉ ở khu vực Tây Nam bộ mà trên phạm vi cả nước và chuyển giao cho các nước bạn như Campuchia, Myanma. Đầu năm 2018, CLRRI đã ký hợp đồng chuyển giao độc quyền hai giống lúa chịu mặn OM18 và OM9577 cho tập đoàn Lộc Trời (LTG). Theo đó, tác quyền được tính 200 đồng/ki lô gam lúa giống bán ra, thời hạn độc quyền không quá 20 năm. Ước tính, CLRRI sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng/năm từ hai giống lúa này. Đây không phải là lần đầu tiên một kết quả nghiên cứu khoa học của một đơn vị sự nghiệp công lập được “thương mại hóa” vẫn có ý kiến trái chiều.

Có người cho rằng, CLRRI là đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, nên giống lúa mới làm ra, cần được chuyển giao miễn phí cho nông dân sử dụng, nhất là trong điều kiện người dân phải chống chọi trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc định phí chuyển giao tác quyền giống lúa thực chất là “khoản phí gián thu” thông qua doanh nghiệp. Nông dân phải thực trả tiền sử dụng qua việc mua lúa giống của LTG, tạo thêm gánh nặng cho người trồng lúa. Ngược lại, phần đông ý kiến lạc quan, cho đây là tín hiệu đáng mừng, khai thông các điểm nghẽn, mở ra kênh vốn còn rất hạn hẹp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa do Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước đạt 4,6 triệu héc ta, chiếm 59% diện tích lúa cả nước, làm làm lợi hơn 8.000 tỉ đồng/năm. Theo PGS. Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thì phần lớn hạt giống lúa lai F1 được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (80%), chỉ có 20% lượng hạt giống lúa lai được sản xuất trong nước. Việc thương mại hóa các giống lúa có tính năng ưu việt, góp phần thương hiệu hóa hạt giống, tăng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hạt gạo ngay từ đầu vào.

Đến tác quyền cho cây lúa?

Định giá và thực thi tác quyền giống lúa không phải là câu chuyện mới mà đã được đề cập nhiều năm qua, song chưa được thực hiện nghiêm túc. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển được hưởng quyền sở hữu, được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, trong thực tế, các nhà khoa học chưa trả tác quyền tương xứng trên cơ sở thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với giống lúa.

Quy trình tạo ra một giống lúa mới thông thường mất vài năm, chi phí nhiều tỉ đồng. Các nhà khoa học của CLRRI đã tạo ra hàng trăm giống lúa mới.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm giống cây trồng Trung ương, thì giống lúa của viện có thời điểm chiếm 80% diện tích gieo trồng toàn vùng ĐBSCL và hơn 50% diện tích cả nước. Nhiều giống lúa mang tầm quốc tế, được trồng ở châu Phi, Nam Á, Myanmar, Campuchia… Bên cạnh việc chuyển giao các giống mới, hàng năm CLRRI còn sản xuất và cung ứng hàng trăm tấn giống siêu nguyên chủng, hàng ngàn tấn giống nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Trong khi đó, nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu các giống lúa rất hạn hẹp, chỉ bằng khoảng 3% tổng kinh phí sự nghiệp này của các đơn vị nghiên cứu trong ngành nông nghiệp. Theo TS. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng CLRRI, nếu tác giả giống lúa được bảo hộ, trả công tương xứng sẽ là kênh vốn nghiên cứu giống mới rất quan trọng. Tại sao đến nay việc thực thi quyền tác giả giống lúa vẫn đang bị nghẽn?

Thúc đẩy thị trường mua - bán chất xám

Có lẽ trong các loại thị trường: tài chính - tiền tệ, hàng hóa tiêu dùng, bất động sản, thị trường lao động, thì thị trường khoa học công nghệ vận hành chậm chạp nhất và dung lượng hạn chế. Chính điều này cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo.

Cách đây không lâu, Nguyễn Hà Đông được thế giới biết đến như một mẫu hình sáng tạo. Trò chơi Flappy Bird của tác giả này trên iOS App Store và Google Play Store thu hút ba triệu lượt tải mỗi ngày, nhanh chóng cán mức 50 triệu lượt, dẫn đầu bảng xếp hạng của App Store US. Nhưng điều bất ngờ là chính Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ “Con chim tung cánh - Flappy Bird” của mình được cho là để tránh rắc rối trước “khoảng trống pháp lý” về tác quyền.

Trong khi lĩnh vực văn học, nghệ thuật mấy năm qua có bước tiến bộ đáng kể trong việc thực thi quyền tác giả, xuất hiện các tổ chức thu hộ tác quyền, thì chưa thấy một tổ chức tương tự bảo vệ quyền tác giả cho các giống lúa. Thương mại hóa giống lúa được thực hiện thông qua thương vụ, nên nó cần có thị trường, định danh rõ ràng người bán, người mua. Tác giả giống lúa có thể là cá nhân, có thể là cơ quan đơn vị, thuộc quyền sở hữu của đơn vị nhà nước hoặc tư nhân. Chính việc lấn cấn trong định danh “tác quyền và quyền sở hữu” đã cản bước thương hiệu hóa giống lúa, làm mất nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Theo tính toán của TS. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng CLRRI, chỉ cần trả tác quyền 1 đô la Mỹ/tấn gạo xuất khẩu (trị giá bình quân 500 đô la Mỹ/tấn), tương đương 0,2% giá bán gạo xuất khẩu. Nếu so với tiền tác quyền tương ứng của các tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật hay chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ khác vào khoảng 5-10% giá bán, thì đó chỉ là khoản chi trả ít ỏi.

Hàng năm, nước ta xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, thì sẽ có khoảng 6 triệu đô la tiền tác quyền cho nghiên cứu giống mới. Nguồn này, đơn vị xuất khẩu gạo trả, không thu từ nông dân, vì Luật sở hữu trí tuệ quy định rõ, cho phép sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại, nhằm mục đích thử nghiệm… Nếu thương mại hóa đúng, đủ cho các giống lúa, sẽ tạo kênh vốn không nhỏ cho hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng này.

Nhà khoa học đang đòi tác quyền cây lúa, không phải cho mình mà cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một việc rất nên làm. Việc “thương mại hóa giống lúa” đã có cầu, rõ nguồn cung, đang rất cần một thị trường chính danh!

Xem thêm

Trần Hữu Hiệp