|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức nóng của cuộc đua 5G giữa các nhà mạng Việt Nam

14:31 | 05/01/2021
Chia sẻ
Cuộc đua 5G của các nhà mạng không chỉ dừng lại ở việc đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm mạng, gia tăng tốc độ truyền tải mà cả việc mở rộng vị trí phủ sóng và danh sách các thiết bị hỗ trợ 5G.

Mạng 5G là công nghệ di động thế hệ thứ 5, tốc độ có thể nhanh gấp khoảng 10 lần so với mạng 4G.Với mạng 5G, người dùng có thể xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR), sử dụng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet kết nối vạn vật) để phát triển các dịch vụ, như xe tự lái, phẫu thuật từ xa.

Trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Hiện các nhà mạng lớn của nước ta là Viettel, MobiFone và VNPT vẫn đang trong cuộc chạy đua mạng 5G và cam kết cung cấp tốc độ cao, độ trễ thấp, kết nối hàng triệu thiết bị.

Sức nóng của cuộc đua 5G giữa các nhà mạng Việt Nam - Ảnh 1.

Thiết bị có kết nối 5G. (Ảnh: medium.com).

Cuộc đua ròng rã hai năm

Cuối tháng 1/2019, Việt Nam chính thức bắt đầu triển khai thử nghiệm miễn phí dịch vụ 5G khi Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà mạng đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel.

Quyết định này diễn ra trong bối cảnh Bộ TT&TT đang thúc đẩy cấp phép tần số 4G và thực hiện công tác thử nghiệm dịch vụ 5G. Ở thời điểm đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc triển khai dịch vụ 5G.

Cùng năm đó, các nhà mạng MobiFone và VNPT cũng lần lượt được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm mạng 5G vào tháng 4 và tháng 6.

Tháng 5/2019, Việt Nam chính thức ghi tên vào danh sách những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất, khi Viettel cùng Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.

Với 5G, con người có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp 4.0, giao thông thông minh, đa phương tiện, y tế thông minh, năng lượng thông minh, nông nghiệp thông minh.

Sức nóng của cuộc đua 5G giữa các nhà mạng Việt Nam - Ảnh 2.

Các nhóm ứng dụng trên 5G. (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện/Bộ TT&TT).

Theo nguồn tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) năm 2019, ở khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, các thiết bị thương mại 5G đầu tiên dự kiến xuất hiện trong nửa đầu năm 2019. Đến cuối năm 2024, gần 12% thuê bao trong khu vực sẽ dành cho 5G và tới 65% dân số thế giới sử dụng mạng 5G.

Đầu năm 2020, trong khi trên thế giới có 46 nhà khai thác tại 24 thị trường đã triển khai mạng 5G thương mại tính đến 30/1/2020, theo ấn bản toàn cầu năm 2020 về Kinh tế di động của GSMA, thì Việt Nam đã chính thức kết nối cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên hạ tầng do Việt Nam sản xuất, cụ thể là Viettel.

Tới tháng 11 và 12/2020, các nhà mạng Viettel, MobiFone và VNPT đã chính thức thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G trên quy mô rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Khác với lần thử nghiệm trước đó vào năm 2019 thiên về yếu tố kỹ thuật, đối tượng của lần thử nghiệm này là các thuê bao di động nhằm giúp các nhà mạng đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi chính thức triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Cạnh tranh điểm phát sóng 5G và mở rộng thiết bị hỗ trợ 5G trên mạng

Theo VNPT, tốc độ của VinaPhone 5G là hơn 1 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0. Còn đối với Viettel, công nghệ 5G của nhà mạng này hỗ trợ tốc độ lên đến 10Gbps, độ trễ chỉ vài ms và mật độ kết nối hàng triệu kết nối/km2.

Nhân dịp chính thức thành lập TP Thủ Đức vào ngày 31/12, hai nhà mạng Viettel và VNPT đã công bố phủ sóng 5G tại nơi được coi là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức.

Cùng thời gian đó, MobiFone cũng chính thức ra mắt dịch vụ 5G thương mại, người dùng tại khu vực TP HCM có thể sử dụng 5G của MobiFone trên một số tuyến phố đi bộ và nhiều tuyến phố trung tâm quận 1. MobiFone đã ghi nhận tốc độ 5G đạt tới trên 1.5 Gbps, tương đương với tốc độ của những gói internet cáp quang cao cấp hiện nay.

Sức nóng của cuộc đua 5G giữa các nhà mạng Việt Nam - Ảnh 3.

Thử nghiệm 5G của nhà mạng MobiFone. (Ảnh: Vietnam Plus).

Không chỉ cạnh tranh về tốc độ truyền tải và vị trí phát 5G, các nhà mạng còn đang nỗ lực mở rộng các dòng máy có thể trải nghiệm 5G từ nhà mạng mình.

Theo đó, Viettel trước đây công bố một số dòng điện thoại có thể kết nối 5G của mạng như Nokia 8.3 5G; Huawei P40, P40 Pro, P40 Pro Plus; Oppo Find X2, Find X2 Pro; Xiaomi Mi 10T Pro 5G, Poco F2 Pro; ZTE (AXON 10 pro 5G), Realme X50 Pro 5G. Sau đó, Viettel công bố thêm loại máy có thể trải nghiệm 5G là Samsung Note 20 Ultra 5G.

Đối với mạng VinaPhone của VNPT, gồm Nokia 8.3 5G; Huawei P40, P40 Pro, P40 Pro Plus; Oppo Find X2, Find X2 Pro; Xiaomi Mi 10T Pro 5G; Asus ROG Phone 3.

Riêng với các dòng máy của Apple, Samsung, Tập đoàn VNPT đang tích cực phối hợp với hai hãng công nghệ trên để triển khai thử nghiệm nhằm nâng cấp phần mềm để có thể sớm cung cấp dịch vụ 5G cho các loại điện thoại này.

Còn đối với MobiFone bao gồm các thiết bị là Oppo Findx 2 – Snapdragon 865; Xiaomi 10T Pro - Snapdragon 865; Huawei P40 Pro – Kirin. MobiFone cho biết đang tích cực đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối để tiếp tục mở rộng danh sách thiết bị hỗ trợ 5G trên mạng MobiFone.

Tường Vy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.